Theo tờ Pháp Luật TP HCM, bánh chưng vốn là sự kết hợp của những nguyên liệu như gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ..., được gói trong lá dong vốn đều là vị thuốc dân gian rất gần gũi với đời thường. Bởi vậy, bánh chưng không chỉ có giá trị dinh dưỡng mà còn có tác dụng chữa bệnh rất lớn dựa vào công dụng chữa bệnh của các nguyên liệu làm nên nó.
Người mắc bệnh thận, cao huyết áp, béo phì,... không nên ăn bánh chưng. Ảnh minh họa
Theo BS Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Nội 3, BV Y học cổ truyền TP.HCM, theo Đông y: gạo nếp có vị ngọt, thơm, tính ấm, tác dụng bổ tỳ vị. Gạo nếp có thể dùng để chữa bệnh nôn mửa, tăng tiết sữa, chống tiêu chảy... Đậu xanh giàu dinh dưỡng, có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu khát, điều hòa ngũ tạng... Lá dong có vị ngọt, tính hơi hàn, tác dụng giải nhiệt độc, lương quyết, lợi tiểu. Ngoài ra, thịt lợn và các gia vị làm thơm như hạt tiêu, thảo quả cũng là những vị thuốc dân gian quen thuộc.
Tuy nhiên theo tờ Gia đình Việt Nam, bánh chưng là loại bánh rất giàu năng lượng. Loại bánh này có nhiều chất béo, ít có lợi cho sức khỏe, nhất là ở bệnh nhân suy thận mạn đã có tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và ở bệnh nhân có hội chứng thận hư có tăng mỡ máu. Mặt khác, bánh chưng cùng với dưa muối, thịt đông là những món ăn chứa một hàm lượng muối cao, nhiều chất béo, không tốt cho người mắc bệnh thận có kèm thêm tăng huyết áp hoặc bị phù.
Chế độ ăn uống đóng một vai trò rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bị bệnh cao huyết áp. Bánh chưng có hàm lượng dinh dưỡng khá cao vì bánh cũng có nhân bằng thịt mỡ, nhiều chất béo có thể gây tăng tiết axit dịch vị, nên không thích hợp cho nhóm người cao huyết áp.
Người bị béo phì không được ăn bánh chưng, đặc biệt là bánh chưng rán để tránh việc tăng cân thêm. Trong bánh chưng ẩn chứa trong đó là cả một nguồn năng lượng dồi dào (trên 200kcal/100g) cung cấp cả chất đạm động vật (thịt), thực vật (đậu xanh) và nhiều chất béo ảnh hưởng xấu tới tim mạch.