Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt hơn 9.000 tỉ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch cả năm, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tăng trưởng mạnh mẽ này là kết quả từ sự tập trung vào tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ từ đầu năm, tăng thu nhập phí dịch vụ và các khoản thu hồi nợ xấu, đặc biệt là các khoản hoàn nhập dự phòng cho vay khách hàng.
Với kết quả này, ACB duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tới 25,8%, tiếp tục là một trong những ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động trên thị trường.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, các mảng kinh doanh trọng yếu của ACB hầu hết đều đạt kết quả tích cực. Đơn cử, thu nhập lãi thuần đạt trên 11.000 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 20%, chủ yếu nhờ thu nhập từ hoạt động bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) tăng 16%, thanh toán quốc tế tăng trưởng 30% và dịch vụ thẻ tăng 33%.
Tại thời điểm 30-6, tổng tài sản hợp nhất của ACB đạt gần 544.000 tỉ đồng, tăng thêm 16.000 tỉ đồng so với đầu năm 2022; dư nợ tín dụng đạt gần 396.000 tỉ đồng, tăng trưởng 9,31%; tiền gửi khách hàng đạt trên 388.000 tỉ đồng, tăng hơn 8.000 tỉ đồng với đầu năm tương đương tăng 2,2%. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu tại ACB hiện là 0,76% và là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trên thị trường.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, ACB cũng thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động chuyển đổi số với việc ra mắt thương hiệu ngân hàng số ACB ONE thu hút nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng. Sự chuyển đổi này mang lại tín hiệu rất tích cực khi doanh số giao dịch online 6 tháng đầu năm tăng 71% và số lượng giao dịch online tăng 63%.