Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU), giao dịch hàng nhái trên thế giới trị giá tới 462 tỷ USD một năm và dự báo sẽ tăng lên 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022.
Dưới đây là 20 thương hiệu bị làm giả nhiều nhất thế giới được trang MSN tổng hợp.
Thương hiệu thời trang dành cho các hoạt động ngoài trời North Face là một trong thương hiệu bị làm nhái nhiều nhất thế giới. Tháng 12/2015, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) bắt giữ lô hàng gồm 50.000 chiếc áo gắn mác North Face tại một kho ở New York. Quần áo thời trang cũng là lĩnh vực bị làm nhái nhiều thứ 2 thế giới với 17.995 vụ bị phát hiện vào năm 2013. Trong ảnh là lô hàng North Face nhái bị bắt tại New Jersey, Mỹ.
Cartier là một trong những "nạn nhân" lớn nhất của các đối tượng chuyên làm nhái, thương hiệu trang sức xa xỉ của Pháp Cartier đã từng khởi kiện và chiến thắng trong một phiên toà liên quan tới việc các sản phẩm của hãng bị làm giả và bán tràn lan trên mạng. Trong ảnh là 2.000 chiếc đồng hồ nhái Cartier bị huỷ bỏ tại New York.
Là một trong những thương hiệu túi danh giá nhất thế giới, Hermes thường phải "nóng mặt" khi các mẫu túi Berkin, khăn lụa và cà vạt giá hàng triệu USD của hãng bị làm giả tràn lan. Các sản phẩm bằng da của hãng này cũng thường bị làm nhái. Tháng 7/2014, một lô thắt lưng Hermes nhái trị giá 3,2 triệu USD đã bị phát hiện và tịch thu tại cảng Los Angeles. Trong ảnh là hàng nghìn chiếc ví Hermes giả được bày bán tại Hakodake, Nhật Bản.
Thương hiệu thời trang bò nổi tiếng Levi's không còn xa lạ trong giới làm hàng nhái. Classic 501 và 550 là hai mẫu quần bò Levi's bị làm giả nhiều nhất. Trong ảnh là quần bò Levi's nhái được bày bán tại một khu chợ ở Trung Quốc.
Thương hiệu trang sức danh giá Tiffany của Mỹ cũng là "nạn nhân" thường xuyên của nạn làm hàng nhái. Hãng này thậm chí từng kiện chuỗi bán lẻ Costco vì bán nhẫn kim cương giả mang hiệu Tiffany. Trong ảnh là trang web bán hàng Tiffany & Co. giả của Trung quốc.
Thuốc hạ cholesterol Lipitor là một trong những loại thuốc bị làm nhái nhiều nhất. Tháng 1/2016, một người đàn ông tại bang Florida, Mỹ đã bị kết án 21 năm tù vì tội bán và phân phối thuốc Lipitor giả cùng nhiều loại thuốc mang về lợi nhuận béo bở khác.
Những chiếc bốt lông cừu của thương hiệu Australia Ugg cũng thường xuyên bị làm nhái. Từ năm 2007, đã có khoảng 2,5 triệu đôi bốt Ugg bị tịch thu tại Mỹ. Giày dép là sản phẩm bị làm nhái nhiều nhất trên thế giới với 27.119 lô hàng bị phát hiện vào năm 2013. Trong ảnh là những đôi bốt Ugg được bày tại Bộ tư Pháp Mỹ ở Washington.
Thị trường thời trang luôn tràn ngập các loại kính giả và Ray-Ban là thương hiệu kính bị làm giả nhiều nhất. Trong ảnh là loạt kính Ray-Ban giả tại một khu chợ ở Trung Quốc.
Thương hiệu thời trang Michael Kors mới đây đã rút khỏi Liên minh Chống hàng giả Quốc tế bởi hãng thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc mới gia nhập tổ chức này. Alibaba từng bị liệt vào danh sách "chợ hàng giả khét tiếng" của Mỹ. Trong ảnh là túi Michael Kors nhái bán tại một khu chợ ở Trung Quốc.
Cùng với Michael Kors, Gucci cũng rút khỏi Liên minh Chống hàng giả Quốc tế khi có sự xuất hiện của Alibaba. Thương hiệu thời trang xa xỉ của Ttaly cũng tuyên bố phản đối kịch liệt việc làm túi hàng mã mang nhãn Gucci – dùng để đốt tại các đám ma, cúng bái ở Trung Quốc. Trong ảnh là một bản nhái lỗi của túi Gucci tại Trung Quốc.
Từ các mẫu túi, ví nổi tiếng cho tới nước hoa No.5, sản phẩm Chanel thường xuyên bị các đối tượng làm nhái nhắm tới. Hãng này từng kiện 24 nhà cung cấp trên Amazon vì bán túi Chanel giả. Từ tháng 10/2017 tới tháng 1/2018, đã có hơn 457.056 chai nước hoa giả, trong đó có nhiều chai mang nhãn Chanel bị phát hiện và tịch thu tại Mỹ. Trong ảnh là loạt túi giả hiệu Chanel, Prada và Louis Vuitton tại một khu chợ ở Trung Quốc.
Là thương hiệu xa xỉ bị làm giả nhiều nhất thế giới, công ty mẹ của Louis Vuitton – LVMH đặc biệt tích cực trong công cuộc bảo vệ bản quyền thương hiệu. Hãng thời trang cao cấp của Pháp này chi khoảng 18,5 triệu mỗi năm để chống lại các đối tượng làm hàng nhái. Giới chức Hàn Quốc cho biết nước này đã bắt các lô hàng nhái Louis Vuitton nhiều hơn bất cứ mặt hàng nào khác từ năm 2012 đến 2016. Trong ảnh là một mẫu túi giả Louis Vuitton tại một cửa hiệu ở Trung quốc.
Những đôi sneakers Adidas nhái tràn lan trên thị trường là nỗi đầu đầu lớn đối với thương hiệu thời trang thể thao của Đức.
Rolex là nhãn hiệu đồng hồ bị làm giả nhiều nhất thế giới. Bản nhái của các mẫu đồng hồ Rolex giá mềm như Submariner và DateJust là phổ biến nhất. Trong ảnh là một nhân viên hải quan của Pháp cầm 2 chiếc Rolex giả tại sân bay Lyon–Saint-Exupéry.
Nhãn hàng Marc Jacobs bị làm nhái nhiều tới mức công ty mẹ LVMH từng đâm đơn kiện 66 trang web bán hàng giả tại Mỹ.
Dòng smartphone Galaxy của công ty Hàn Quốc Samsung là sản phẩm bị làm nhái nhiều nhất, chủ yếu bắt nguồn từ các nhà máy tại Trung Quốc và đi đến các trang web tinh vi nhắm tới những khách hàng nhẹ dạ ở phương Tây.
Mỹ phẩm nhái có thể chứa bất cứ thứ gì từ xyanua, chì cho tới thuỷ ngân, vì vậy đây là những thứ vô cùng nguy hiểm. MAC Cosmetics là thương hiệu mỹ phẩm bị làm giả nhiều nhất thế giới. Năm 2015, một phụ nữ Mỹ đã bị buộc phải trả cho MAC 1 triệu USD vì bán số mỹ phẩm nhái thương hiệu này trị giá 1 triệu USD.
Thương hiệu thời trang biểu tượng lâu đời của Anh Burberry cũng là nạn nhân bị làm giả nhiều, thậm chị cả những thương hiệu có tiếng khác nhái lại.
Apple là một trong những thương hiệu công nghệ bị làm nhái nhiều nhất thế giới và cũng giống như thuốc, sản phẩm Apple giả có thể gây ra những tai nạn chết người. Năm 2013, một tiếp viên hàng không 23 tuổi của Trung Quốc đã tử vong vì bị điện giật khi dùng sạc iPhone giả. Trong ảnh là hai chiếc iPhone giả bán tại một chợ di động ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Nike cũng là một trong những thương hiệu bị làm giả nhiều nhất, đặc biệt là tại Trung Quốc. Dù với một số dòng sản phẩm khó làm nhái như Flyknit, nhưng các mẫu hàng giả Nike ở Trung Quốc hầu như rất khó phân biệt với hàng thật. Trong ảnh là hàng loạt giày Nike giả tại một khu chợ ở Hisaronu, Thổ Nhĩ Kỳ.