Chương trình "Tỏa sáng Nghị lực Việt" do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TCP Việt Nam cùng tổ chức thực hiện. Mỗi bạn thanh niên mang một câu chuyện khác nhau về nghị lực sống. Có người sinh ra đã mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể. Có người đang khỏe mạnh, trẻ trung thì gặp những biến cố bất ngờ khiến họ phải tạm gác lại hoài bão tuổi trẻ. Thế nhưng, vượt lên sự khắc nghiệt của số phận, những người trẻ đã biết tự mình đứng lên làm chủ cuộc đời. Đặc biệt, không ít người trong số họ còn là chủ nhân của các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, đem lại cuộc sống ấm no không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng, xã hội.
Đang háo hức chuẩn bị cho kế hoạch đi du học, Bùi Văn Hiếu (sinh năm 1995, quê Lục Nam - Bắc Giang) bất ngờ gặp tai nạn giao thông, phải cắt bỏ cả hai chân. Sau chuỗi ngày sống khép mình vì mặc cảm, chàng trai trẻ dần tìm lại được niềm vui lao động với công việc kinh doanh đồ gia dụng trên Internet. Hiếu tự học hỏi cách bán hàng và tạo dựng thương hiệu cá nhân, nhờ đó lượng đơn hàng bán ra ngày một tăng, tạo thu nhập ổn định cho bản thân, đồng thời giúp nhiều thanh niên khuyết tật khác trên địa bàn có công ăn việc làm ổn định.
Cũng mày mò lập nghiệp trên chiếc xe lăn là Đoàn Ngọc Chiến (sinh năm 1989, quê Hương Sơn - Hà Tĩnh). Hành trình đi tìm tri thức của chàng trai này trải qua không biết bao lần đi học rồi lại nghỉ để về chữa bệnh. Nhiều lần, Chiến muốn từ bỏ. Nhưng nhìn những tấm gương vươn lên xung quanh mình, anh lại tự nhủ bản thân phải cố gắng từng ngày.
Hoàn thành khóa học về SEO Marketing, Chiến bắt đầu công việc từ vị trí thấp nhất là nhân viên trong một công ty. Sau 3 năm nỗ lực cống hiến, chàng trai Hà Tĩnh đã chứng minh được năng lực thực sự với ban giám đốc và được đề bạt lên vị trí trưởng nhóm rồi trưởng phòng. Ở thời điểm hiện tại, anh còn mở một cửa hàng chuyên bán đồ dành cho thú cưng để thỏa đam mê kinh doanh và niềm yêu thích động vật.
Khác với Hiếu hay Chiến, Bùi Thị Yến Nhi (sinh năm 1996, quê Châu Thành - Hậu Giang) từ khi sinh ra đã không có một đôi chân lành lặn. Có lẽ vì vậy mà cô gái nhỏ nhắn này đã đón nhận mọi chuyện với một tâm thế nhẹ nhàng nhưng không kém phần quyết liệt: "Em chưa bao giờ nghĩ mình là một người tàn tật. Người bình thường làm được thì tại sao em không làm được. Em cứ nghĩ vậy và làm thôi".
Vốn khéo tay, ngoài giờ làm, cô gái nhỏ này còn tập tành làm những bông hoa sáp để chưng trong nhà rồi đăng lên mạng. Bất ngờ sản phẩm đó được bạn bè chú ý và ngày càng có nhiều người hỏi mua. Không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, từ năm 2019, Nhi quyết định mở một cửa hàng bán hoa sáp mang tên mình.
Chăm chỉ làm việc, đến nay Nhi đã có cho mình một nguồn khách hàng ổn định từ khắp các vùng miền trên cả nước. Nhiều người còn tìm đến xin trở thành khách sỉ hay đại lý bán hàng cho cô. Dù "thương trường là chiến trường", nhưng Nhi chẳng bao giờ "giấu nghề" mà luôn sẵn sàng tư vấn cho những người gặp khó khăn cách thức kinh doanh với mong muốn ai cũng có thể vươn lên trong cuộc sống.
Lắng nghe câu chuyện của tấm gương khởi nghiệp đặc biệt này, ông Nguyễn Thanh Huân, Tổng Giám đốc TCP Việt Nam không khỏi xúc động: "Trong hành trình đầy cảm hứng của "Tỏa sáng nghị lực Việt", chúng tôi dành sự cảm phục cao nhất với những người trẻ có sức mạnh ý chí quật cường như vậy. Mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện đều là nguồn cảm hứng lớn, tiếp động lực để TCP Việt Nam tiếp tục vững tin và thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa hướng đến cộng đồng. Chúng tôi cũng hy vọng chương trình sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ nói chung và thanh niên khuyết tật nói riêng tự tin hơn vào khả năng của bản thân, từ đó sẵn sàng vượt qua những khó khăn để có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình".
Để động viên và khuyến khích hơn nữa tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ này, TCP Việt Nam đã trao tặng mỗi bạn một giải thưởng trị giá 50 triệu đồng tiền mặt. Hoạt động này nối dài định hướng "Tiếp Năng Lượng, Bừng Sức Sống" của Tập đoàn TCP với mong muốn sẽ truyền lửa và tiếp sức cho các bạn thanh niên khuyết tật trên con đường khởi nghiệp nhiều gian nan và thách thức. Đây cũng là điểm mới, là dấu ấn đặc biệt của chương trình năm nay so với các lễ tuyên dương trước.
Bên cạnh lễ tôn vinh, Chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm nay còn tổ chức điễn đàn giao lưu với chủ đề "Thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số" với mong muốn tìm ra những giải pháp, sáng kiến thúc đẩy phong trào khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số của thanh niên khuyết tật.