Đối với người dân TP HCM hiện nay và Sài Gòn trước kia, Nhà máy nước Thủ Đức là cái tên hết sức thân quen, gắn liền với đời sống sinh hoạt của đại bộ phận dân cư TP. Với một TP là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Nhà máy nước Thủ Đức là biểu tượng của sự năng động, sáng tạo.
Trung tâm điều tiết nước
Tiền thân của Nhà máy nước Thủ Đức là sở sản xuất nước sông Đồng Nai, khánh thành chính thức hoạt động từ ngày 12-12-1966. Qua 50 năm hình thành và phát triển, Nhà máy nước Thủ Đức ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sạch, phục vụ thiết thực cho đời sống dân sinh trên địa bàn TP.
Có thể thấy được sự lớn mạnh ấy của nhà máy qua những con số sinh động. Nếu như thời điểm đi vào hoạt động, công suất tối đa chỉ 450.000 m3/ngày thì hiện nay, nhà máy hoạt động ổn định với công suất thiết kế là 750.000 m3/ngày đêm. Để có được điều đó, hàng chục năm qua, ngoài chú trọng đầu tư chiều sâu cho nguồn nhân lực, lãnh đạo SAWACO còn dồn hết tâm huyết cải tạo thiết bị và đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại cũng như triển khai thực hiện nhiều dự án nâng cao công suất nhà máy. Những năm gần đây, dù có thêm 2 nhà máy khác đi vào hoạt động (Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước BOO Thủ Đức) nhưng sản lượng nước sản xuất tại Nhà máy nước Thủ Đức vẫn chiếm 50% nguồn cung cho TP. Điều đó cho thấy Nhà máy nước Thủ Đức đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của TP trong quá trình hội nhập, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và đời sống của nhân dân TP HCM. Nói cách khác, với sự hoạt động ổn định và tin cậy, Nhà máy nước Thủ Đức trở thành “Trung tâm điều tiết” áp lực và sản lượng cho toàn bộ hệ thống cấp nước.
Đầu tư công nghệ hiện đại
Là một trong những đơn vị chủ lực của SAWACO, Nhà máy nước Thủ Đức có 4 chức năng cơ bản, bao gồm: Khai thác, chế biến, xử lý từ nguồn nước sông Đồng Nai thành nước sạch theo đúng tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của TP HCM; bảo đảm hoạt động sản xuất và truyền tải nước sạch vào hệ thống cấp nước của tổng công ty, an toàn và liên tục; quản lý, điều hành và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và mua sắm hàng hóa cho nhà máy theo ủy quyền của tổng giám đốc tổng công ty; quản lý lao động, vật tư, kỹ thuật tài chính theo đúng quy định phân cấp của tổng công ty.
Để thực hiện các chức năng cơ bản ấy, nhà máy tập trung tổ chức thực hiện khai thác nước thô từ nguồn nước sông Đồng Nai để chế biến, xử lý thành nước sạch và đưa vào hệ thống truyền dẫn chính của tổng công ty (công ty mẹ); bảo đảm hoạt động sản xuất - cung cấp nước sạch an toàn và liên tục theo đúng kế hoạch. Hướng đến mục tiêu bảo đảm sức khỏe khách hàng, nhà máy tiến hành tổ chức kiểm nghiệm các chỉ tiêu lý - hóa cơ bản của nước thô, nước lọc; định lượng tỉ lệ hóa chất phù hợp quy định để xử lý nước và chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu, kết quả của các hoạt động kể trên.
Bên cạnh đó, để bảo đảm sản xuất được xuyên suốt, nhà máy còn có nhiệm vụ quản lý, vận hành, bảo trì, duy tu, sửa chữa và kịp thời khắc phục các sự cố phát sinh từ hệ thống máy móc, trang thiết bị trong dây chuyền công nghệ sản xuất nước và các tuyến ống nước thô, tuyến ống nước sạch thuộc phân cấp quản lý của nhà máy nước. Đồng thời, tổ chức quản lý và thực hiện các dự án mua sắm vật tư, thiết bị; các dự án cải tạo, sửa chữa nhà xưởng... và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên sâu của nhà máy theo Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp quy hiện hành có liên quan; chủ động quan hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại các địa phương có liên quan để phối hợp bảo vệ an toàn cho các trạm bơm, các tuyến ống truyền tải do nhà máy quản lý và xử lý những trường hợp xâm phạm các công trình cấp nước, hành lang an toàn các tuyến ống truyền tải của nhà máy nước.