Trong biểu lãi suất huy động mới nhất, Ngân hàng (NH) TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) đã tăng đáng kể lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng từ mức 5,9%/năm lên 6,3%/năm, tăng thêm 0,4%/năm so với trước đó. Nhân viên giao dịch NH này cho biết điều chỉnh lãi suất huy động để thu hút thêm nguồn vốn kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất NH này áp dụng là 7,6%/tháng kỳ hạn 18 tháng.
Khuyến khích người gửi tiết kiệm dài
Tại nhiều NH thương mại khác, biểu lãi suất huy động cũng được điều chỉnh gần đây theo hướng lãi suất ở các kỳ hạn dài. Theo các NH, việc điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng ở các kỳ hạn dài nhằm thu hút thêm nguồn vốn và khuyến khích người gửi tiền trung dài hạn.
NH TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng vừa nhích lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 6 tháng hiện khá cao với 7,2%/năm, kỳ hạn 15 tháng 7,9%/năm và người gửi tiền kỳ hạn 18 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 8,2%/năm. Trong khi đó, NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng áp dụng mức lãi suất khá cao khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 6 tháng trở lên ở mức 7%/năm. Mức lãi suất cao nhất được NH này áp dụng là 7,9%/năm kỳ hạn 36 tháng.
Tại NH TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), báo cáo của Hội đồng Quản trị NH cho thấy năm ngoái tiền gửi khách hàng giảm nhẹ về quy mô do đang được cấu trúc lại theo hướng tăng tính ổn định và bền vững qua việc tăng tỉ trọng tiền gửi huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cũng như tăng tỉ trọng tiền gửi của khách hàng cá nhân. Nguồn vốn trung dài hạn tại NH này hiện chiếm tỉ trọng 47,3%. Mục tiêu của Maritime Bank trong năm 2017 là đẩy mạnh huy động vốn từ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đó bảo đảm huy động trung dài hạn chiếm 45% tổng huy động...
Ông Cù Anh Tuấn, Tổng Giám đốc NH TMCP An Bình (ABBANK), cho biết lộ trình giảm dần vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo yêu cầu của NH Nhà nước, đến cuối năm 2017, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ còn 40%. Hiện đã cận kề thời điểm yêu cầu của NH Nhà nước và thực tế nhiều NH thương mại đã vượt quy định nên phải gia tăng huy động vốn trung dài hạn để bảo đảm tuân thủ. Sự cạnh tranh trong thu hút vốn trung dài hạn khiến một số NH đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên, dù mặt bằng lãi suất huy động không tăng.
Ngân hàng thương mại khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài với lãi suất cao hơn
Sức ép tăng lãi vay dài hạn
Riêng ABBANK, theo ông Cù Anh Tuấn, dù lãi suất huy động có nhích lên nhưng không đáng kể vì định hướng của NH là tìm nguồn vốn trung dài hạn từ việc được các tổ chức tín dụng quốc tế tài trợ thương mại như ADB, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và phát hành trái phiếu trong nước, cho ra mắt chứng chỉ tiền gửi huy động từ dân cư... "Chúng tôi phân tán các nguồn vốn trung dài hạn phục vụ cho nguồn trung dài hạn chứ không tập trung vào một nguồn nên không bị áp lực tăng lãi suất" - ông Tuấn nói.
Theo Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng, hiện tỉ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng, trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng chỉ chiếm khoảng 15% đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống NH. Tuy nhiên, để tạo nguồn vốn đầu tư, NH Nhà nước vẫn đang cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung dài hạn của doanh nghiệp phải được huy động từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán... nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống NH.
Có điều, việc nhiều NH thương mại nhích lãi suất huy động trung dài hạn sẽ tạo áp lực tăng lãi suất cho vay trung dài hạn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số NH, việc lãi suất trung dài hạn tăng cũng là dễ hiểu khi vốn huy động đầu vào tăng lên. Lãnh đạo NH Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để có điều kiện giảm lãi vay, nhất là lãi suất ưu đãi với các lĩnh vực ưu tiên...