3 địa điểm được chọn làm đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Phong (Khánh Hòa).
Luật chung hay riêng?
Về nguyên tắc, cơ chế để phát triển các đặc khu phải đặc biệt, vượt trội so với mặt bằng chung để tạo đà cho các đặc khu này phát triển. Tuy nhiên, sẽ xây dựng một luật chung điều chỉnh cả 3 đặc khu nói trên hay xây dựng luật riêng cho mỗi đặc khu vẫn là vấn đề chưa được đi đến thống nhất. Tại dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã đề xuất xây dựng một luật chung, trong đó có những chương riêng cho từng đặc khu. Vấn đề này dự kiến sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bên liên quan.
Về mức ưu đãi vượt trội làm động lực cho các đặc khu kinh tế đột phá, cơ quan soạn thảo đề xuất nhóm chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội cao hơn so với các quy định hiện hành. Cụ thể là cho phép đặc khu linh hoạt áp dụng miễn thuế xuất nhập khẩu; áp dụng mức thuế suất 0% hoặc không phải chịu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân có thời hạn. Đối với thu ngân sách, cho phép để lại toàn bộ số thu của đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt trong một thời gian cần thiết; điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách địa phương về trung ương để tạo nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu và đào tạo nguồn nhân lực. Các đặc khu cũng được phép kinh doanh lĩnh vực nhạy cảm, hạn chế là casino.
Đặc biệt đối với nhóm chính sách về xây dựng mô hình tổ chức, quản lý, cơ quan soạn thảo đề xuất các giải pháp giúp chính quyền đặc khu có đủ thẩm quyền, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.
Thu nhập của người dân sẽ tăng mạnh
Bộ KH-ĐT cũng dự kiến trong thời gian từ 5-10 năm đầu tiên sau khi các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt được thành lập, thu ngân sách không được nhiều. Sau đó số thu sẽ tăng lên, các đặc khu kinh tế này sẽ có đóng góp lớn về thu ngân sách, tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người, có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.
Theo đó, tại khu kinh tế Vân Đồn, ước tính nhà nước thu được khoảng 1,9 tỉ USD từ thuế, phí và 2,1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2030. Mức thu nhập bình quân đầu người sẽ được nâng lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.
Tại đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, ước tính nhà nước thu được khoảng 1,2 tỉ USD từ thuế, phí và 1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2030. Mức thu nhập bình quân đầu người được nâng lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.
Tại Phú Quốc, ước tính nhà nước thu được khoảng 3,3 tỉ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2030. Mức thu nhập bình quân đầu người sẽ được nâng lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.
Hơn 25 năm phát triển, các mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở nước ta đã không còn mới và kém linh hoạt. Kéo theo đó là cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế; bộ máy quản lý với thẩm quyền chưa thống nhất và thủ tục hành chính chưa đủ thông thoáng; cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã phát triển thành công các mô hình như đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, thành phố tự do… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.