Ngôi sao đang lên trong thị trường phi tiền mặt ở Thái Lan là thẻ đi lại Rabbit, với 7 triệu người dùng trong nước. Hệ thống Giao thông công cộng Bangkok (BTS), đơn vị điều hành đường sắt thủ đô Thái Lan, sẽ bắt đầu chấp nhận phiên bản trên điện thoại thông minh của Rabbit tại các cửa soát vé ngay trong năm nay.
Người dùng tăng mạnh
Theo tạp chí Nikkei (Nhật Bản), BTS bắt tay với chi nhánh tại Thái Lan của Line, một chương trình nhắn tin đến từ Nhật Bản, để phát triển ứng dụng nói trên - mang tên Rabbit Line Pay. Một số nhà hàng cũng chấp nhận thanh toán bằng Rabbit Line Pay trong khi các nhà phát triển hy vọng sớm với tới các nhà bán lẻ khác.
Cũng tại Thái Lan, một ngân hàng lớn là Kasikornbank đã trình làng hệ thống mang tên K-Pay, hiện được thử nghiệm tại hàng chục nhà hàng và quán ăn. Còn ở Singapore, Ngân hàng Oversea-Chinese vừa ra mắt một ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động có thể sử dụng tại hơn 1.000 cửa hàng, bao gồm chuỗi trung tâm mua sắm Robinson và các cửa hàng của thương hiệu thời trang Zara. Một doanh nghiệp khởi nghiệp của Singapore là Liquid Pay cũng có ứng dụng được chấp nhận thanh toán ở hơn 100 quán ăn và đang ôm tham vọng nâng con số này lên 25.000 điểm bán lẻ vào cuối năm nay.
Thanh toán qua điện thoại thông minh còn nảy nở ở Indonesia trong nhóm khách hàng sử dụng ứng dụng gọi xe Go-Jek. Năm ngoái, Go-Jek khởi động Go-Pay và nhờ ví ảo này mà các thanh toán bằng tiền mặt khi gọi xe Go-Jek đã giảm tới 50%. Grab, công ty Singapore hoạt động cùng lĩnh vực với Go-Jek, cũng chen chân vào thị trường thanh toán di động tại Indonesia. Tháng 4 vừa qua, Grab công bố kế hoạch thu mua Kudo - công ty điều hành mạng lưới thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến với hơn 400.000 đại lý ở 500 thành phố và thị trấn ở Indonesia. Lâu dài hơn, Grab muốn tích hợp nền tảng của Kudo vào GrabPay, hệ thống thanh toán di động của riêng họ.
Một quán ăn ở Singapore chấp nhận thanh toán qua điện thoại thông minh Ảnh: NIKKEI
Tiềm năng còn nhiều
Công ty Nghiên cứu Euromonitor (Anh) chỉ ra Đông Nam Á sẽ bùng nổ các hệ thống thanh toán di động bởi có khoảng 50% dân số ở 6 nước lớn tại khu vực này sở hữu điện thoại thông minh. Tỉ lệ trên được dự báo đạt mốc 70% vào năm 2021, bám sát Nhật Bản và Mỹ (80%).
Ở các vùng nông thôn không có ngân hàng, người dùng vẫn có thể nạp tiền cho ví điện tử tại một cửa hàng nằm trong mạng lưới thanh toán di động. Đây là một lợi thế lớn bởi chỉ khoảng 30% người dân Indonesia và Philippines có tài khoản ngân hàng, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào năm 2014. Tỉ lệ người dân có thẻ tín dụng ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore và Malaysia, cũng không nhiều nhặn gì. Các ứng dụng Momo của Việt Nam và OK Dollar của Myanmar cũng ra đời với chung mục đích tiếp cận người dân ở vùng nông thôn bên cạnh việc thanh toán ở các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quầy vé máy bay...
Với tổng dân số xấp xỉ 600 triệu người, tiêu dùng cá nhân ở Đông Nam Á nhiều khả năng tăng gấp đôi lên 2.300 tỉ USD vào năm 2020, theo Công ty Nghiên cứu thị trường Accenture (Ireland). Còn Công ty Euromonitor dự báo vào năm 2021, tổng giá trị thanh toán di động của khu vực này có thể đạt mức 32 tỉ USD, tức tăng 10 lần so với năm 2013. Miếng bánh lớn nên nhiều nhà đầu tư bên ngoài cũng để ý. Cuối tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp fintech (công nghệ tài chính) Soft Space của Malaysia thu hút được 5 triệu USD từ một số công ty thương mại điện tử Nhật Bản. Hiện hệ thống của Soft Space được sử dụng trong hoạt động bán hàng miễn thuế trên chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ AirAsia, đồng thời sắp triển khai cho chi nhánh tại Malaysia của công ty chuyên về logistics Yamato Holdings (Nhật Bản).
Không thể không nhắc đến Trung Quốc, nước tiên phong trong lĩnh vực thanh toán di động ở châu Á với khoảng 340 tỉ USD được giao dịch qua điện thoại hồi năm ngoái, vượt xa con số 53 tỉ USD của Nhật. Hai "đại gia" thống trị thị trường đại lục - Tập đoàn Alibaba (với ứng dụng Alipay) và Tencent Holdings (với WeChat Pay) - đều đang nhắm tới Đông Nam Á, cùng thông qua phương thức liên kết với các doanh nghiệp địa phương. Tại Singapore và Thái Lan, các ứng dụng thanh toán của 2 tập đoàn Trung Quốc có thể sử dụng ở nhiều khách sạn cũng như cửa hàng tiện lợi và trung tâm mua sắm.