Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng (NH), ứng dụng công nghệ số sẽ là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam, từ phát triển kênh cung ứng dịch vụ đến sáng tạo sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại; cung cấp thông tin, hiểu biết và kỹ năng tài chính cho người dân thông qua các phương tiện số...
Quá ít người có tài khoản ngân hàng
Theo Viện Chiến lược NH, tài chính toàn diện chủ yếu được đo bằng khả năng tiếp cận tài khoản NH - số lượng người dân có tài khoản tại một tổ chức tài chính chính thức. Ở Việt Nam, đã có sự gia tăng đáng kể trong số lượng người trưởng thành có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức từ mức 21,3% năm 2012 lên mức khoảng gần 40% hiện nay. Nhưng tỉ lệ này khá thấp so với các nước trong khu vực như Trung Quốc và Thái Lan với lượng truy cập tài khoản ở mức lần lượt 78% và 79%.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, cho biết ngay các chỉ số tiếp cận tài chính như số lượng chi nhánh NH thương mại và máy ATM tính trên 100.000 người lớn của Việt Nam cũng còn thấp so với các nước trong khu vực. Tính đến cuối năm ngoái, cả nước có khoảng 111 triệu thẻ NH các loại, doanh số sử dụng thẻ đạt 1,87 triệu tỉ đồng tăng hơn 300% so với năm 2010. Hiện có khoảng hơn 17.470 máy ATM và trên 263.000 máy POSD nhưng hầu hết người sử dụng thẻ ATM chỉ để rút tiền mặt hoặc chuyển khoản. Tỉ lệ sử dụng thẻ, nhất là thẻ tín dụng, còn ở mức rất thấp.
Việt Nam hiện có khoảng gần 40% người trưởng thành có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức Ảnh: Internet
Ngoài ra, việc tiếp cận dịch vụ tài chính NH chủ yếu phát triển ở các TP lớn, đô thị, trong khi khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa còn rất hạn chế. Ngay khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện thống kê cũng cho thấy chỉ có khoảng 1/3 số doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay NH. Tại hội thảo Banking Việt Nam 2017 mới đây, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH, cho biết ngay cả trong nhóm người dân đã tiếp cận dịch vụ tài chính, nhiều người vẫn chưa sử dụng đầy đủ các dịch vụ như mong muốn. Đa phần người dân vẫn có thói quen dùng tiền mặt, chưa sẵn sàng sử dụng các dịch vụ NH hiện đại. Trong khi đó, Việt Nam chưa có chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện...
Công nghệ số hỗ trợ phát triển
TS Cấn Văn Lực nhìn nhận đối với phát triển tài chính toàn diện, công nghệ số sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và quản lý 80%-90%; giảm thiểu tối đa việc phải thiết lập các chi nhánh vật chất, tăng tiếp cận tài chính cho khu vực nông thôn, miền núi và phụ nữ. Công nghệ số cũng giúp đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và tăng cường khả năng thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin khu vực vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho thấy tài chính số có thể giúp GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng thêm 3.700 tỉ USD đến năm 2025.
Việt Nam hiện có rất nhiều thuận lợi để phát triển tài chính toàn diện trên cơ sở ứng dụng công nghệ số nhờ kết cấu dân số trẻ, dễ tiếp cận với các trào lưu tiêu dùng mới khi tỉ lệ sử dụng mạng và di động tăng nhanh... Cộng thêm các NH thương mại, công ty viễn thông, công ty công nghệ tài chính cũng không ngừng phát triển sản phẩm công nghệ để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Phó thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhìn nhận việc gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính, trong đó chủ yếu là các dịch vụ NH một cách phù hợp, thuận tiện cho người dân là một trong những vấn đề quan trọng hiện nay. Bởi sự phát triển của dịch vụ NH trên nền tảng công nghệ hiện đại có thể giúp các NH đổi mới toàn diện từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, cung cấp dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn... từ đó gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.