Khởi nguồn từ Mỹ rồi lan sang châu Âu, nay ngành công nghệ tài chính (fintech) cắm rễ sâu rộng ở Đông Nam Á, một phần nhờ dân số đông đảo, hạ tầng ngân hàng... ở đây. Vốn đầu tư rót vào ngành này đã tăng từ 5,5 tỉ USD vào thời điểm 11 năm trước lên 78,6 tỉ USD hiện nay.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Thuộc loại tiềm năng nhất phải kể đến Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Riêng Việt Nam, lĩnh vực khởi nghiệp fintech thu hút được 129 triệu USD trong năm 2016, lớn hơn nhiều so với tất cả lĩnh vực khác cộng lại - chiếm tới 63% tổng giá trị các hợp đồng khởi nghiệp. Dẫn đầu về mặt giá trị hợp đồng là các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp như Payoo, VNPT E-pay, MoMo và F88.
Đây là số liệu trong báo cáo thường niên của Viện Topica Founder, được xem là một trong tốp 5 DN khởi nghiệp phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Dù thương mại điện tử vẫn là lĩnh vực sôi nổi nhất với 12 thỏa thuận được chốt lại trong năm ngoái song tổng giá trị các thỏa thuận lại chỉ đạt 34,7 triệu USD. Tăng trưởng mạnh thứ hai sau fintech trong năm 2016 là công nghệ giáo dục (edtech), với 6 thỏa thuận (trị giá hơn 20 triệu USD).
Tính tới năm ngoái, hơn 30 DN fintech đã được thành lập tại Việt Nam và 2/3 số này cung cấp các dịch vụ thanh toán di động. Các chuyên gia cũng tin rằng thanh toán di động tiếp tục là điểm sáng trong thị trường fintech Việt Nam năm nay. Đơn cử, thỏa thuận đầu tư 28 triệu USD của Standard Chartered Private Equity (quỹ đầu tư của ngân hàng Anh Standard Chartered) và ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho M_Service - công ty điều hành ví điện tử MoMo - vào tháng 3-2016 cũng phần nào cho thấy mức độ hấp dẫn của ngành công nghệ tài chính.
MoMo được biết đến sau khoản đầu tư 28 triệu USD từ 2 “đại gia” ngân hàng thế giới Ảnh: TECH IN ASIA
Theo công ty tư vấn Nielsen (Mỹ), hầu hết dân số Việt Nam là người trẻ, trong đó 50% tiếp cận internet và 70% sử dụng điện thoại thông minh. Trang Fintech News (Singapore) chỉ ra với đa số người tiêu dùng, trải nghiệm trực tuyến đầu tiên của họ là thông qua điện thoại di động. Đây chính là những yếu tố then chốt làm nên cú hích cho thị trường fintech Việt.
Những gương mặt sáng giá
Ngoài ra, như thống kê của Ngân hàng Thế giới vào năm 2014, chỉ có 31% trong tổng số người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam có tài khoản tại một tổ chức tài chính. Với lợi thế công nghệ và khả năng di động, DN fintech có thể đưa ra nhiều giải pháp tiện lợi và phục vụ nhóm đối tượng bị giới ngân hàng truyền thống "bỏ rơi" này.
Trong bài viết vào cuối tháng 4 qua, trang Fintech News đã nêu tên một số DN fintech được đánh giá cao của Việt Nam hiện nay. Được nhắc đến đầu tiên là Timo, một sản phẩm của Công ty Lifestyle Project Management Vietnam. Đến nay, Timo vẫn là ngân hàng số đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, với khả năng giúp người dùng - đặc biệt là giới trẻ và dân sành công nghệ - quản lý tài chính bằng điện thoại thông minh. Sau khi thành công tại TP HCM, Timo đã mở thêm chi nhánh Timo Hangout ở Hà Nội. Một mặt yêu cầu khách hàng tuân thủ nghiêm ngặt quy định chống rửa tiền, mặt khác Timo cung cấp các dịch vụ ngân hàng rẻ hơn nhiều so với ngân hàng truyền thống, ví dụ rút tiền, mở tài khoản, chuyển khoản... hầu hết đều miễn phí.
Ngôi sao đang lên không ai khác ngoài MoMo, vừa được thế giới biết đến nhờ thỏa thuận 28 triệu USD nói trên. Là ví điện tử cho phép chuyển khoản và nhận tiền, MoMo giúp khách hàng chi trả nhiều loại dịch vụ và rút tiền tại bất cứ đâu trong khoảng 4.000 đại lý của MoMo trên cả nước. Chưa hết, hệ thống chi trả của MoMo được tích hợp với hơn 20 ngân hàng trong nước của Việt Nam.
Ngoài 2 cái tên đình đám trên, có thể kể thêm Cash2VN (dịch vụ của Bitcoin Việt Nam, giúp người dùng chuyển tiền cho người thân tại Việt Nam với chi phí rẻ hơn - khoảng 2 USD/giao dịch, nhanh hơn và thuận tiện hơn), OnOnPay (ví điện tử di động kiêm dịch vụ nạp tiền điện thoại đang có kế hoạch mở rộng sang Thái Lan, Indonesia và Philippines sau khi nhận được khoản đầu tư 800.000 USD từ quỹ đầu tư Gobi Partners của Malaysia), Money Lover, BankGo, Trusting Social...