Đây là hoạt động diễn ra trong khuôn khổ chương trình “Hợp tác Việt Nam - Mỹ tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)” được ký giữa USABC và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Con đường ngắn nhất
Sau khi được chọn, các DNNVV này sẽ học hỏi và áp dụng các kỹ thuật, công cụ kinh doanh mới để phát triển những mô hình kinh doanh mới hoặc cải tiến các mô hình kinh doanh hiện có với các chỉ số tiến độ cụ thể.
Việc áp dụng số hóa, công nghệ thông tin để nâng cao hiệu suất hoạt động, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không còn quá mới mẻ đối với các doanh nghiệp (DN) toàn cầu. Tuy nhiên, đây lại là những thách thức không nhỏ đối với DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV trong bối cảnh nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ.
Chia sẻ với các DN Việt Nam tại một hội thảo về số hóa được tổ chức mới đây, ông Peter Rand, Giám đốc giải pháp thanh toán thương mại khu vực Đông Nam Á của MasterCard, cho biết chi phí kinh doanh là một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay của các DNNVV trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giải pháp truyền thống là DNNVV thường sử dụng nhiều giấy tờ, thanh toán theo từng đợt và từng phần với nhiều mẫu hóa đơn khác nhau làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của DN từ hiệu suất, chi phí, nhu cầu vốn lưu động, khả năng phát triển, vay ngắn hạn, khả năng dự đoán dòng tiền. Chi phí trung bình của mỗi lần giao dịch bằng tiền mặt tiêu tốn tới 86% chi phí không liên quan đến thanh toán như yêu cầu mua, đơn hàng, nhận hàng, hóa đơn, xét lỗi... Chu kỳ thanh toán bằng tiền mặt thường kéo dài từ 30-120 ngày. Nếu chuyển sang hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng DN, chi phí sẽ giảm khoảng 76%, kéo theo những lợi ích vì tính hiệu quả, minh bạch và dễ kiểm soát; phát triển DN dễ dàng hơn thông qua việc giảm chi phí và nhu cầu vốn... Ngoài ra, đối tác là bên bán cũng sẽ hài lòng hơn nhờ việc thanh toán nhanh gọn, bớt phiền hà.
Là một DN áp dụng kỹ thuật số tương đối muộn, ông Sunil Singh, Giám đốc công nghệ thông tin của Coca-Cola, đưa ra lời khuyên: “Áp dụng kỹ thuật số không phải là quá mới, cũng không phụ thuộc vào quy mô của DN. Vấn đề quan trọng hơn là việc các DNNVV đã sẵn sàng đón nhận, tiếp cận nó hay chưa”.
Cần chính sách hỗ trợ
Còn tại hội thảo về số hóa tổ chức năm ngoái, đại diện Google chỉ ra rằng chậm trễ trong việc số hóa đã khiến các DNNVV gần như “vô hình” với hơn một nửa dân số Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới trực tuyến, bỏ lỡ cơ hội có thể tăng doanh số bán hàng lên 4 lần so với đối thủ cạnh tranh. Tại thời điểm đó, Việt Nam là quốc gia có dân số kết nối trực tuyến lớn thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với khoảng 52 triệu người kết nối trực tuyến qua điện thoại di động và máy tính cá nhân. Người Việt Nam dùng điện thoại di động cho nhiều hoạt động khác nhau, từ tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, kiểm tra tình trạng giao thông và quản lý danh sách mua hàng... nhưng phần lớn các DNNVV của Việt Nam vẫn chưa thể cung cấp các trải nghiệm thương mại di động và triển khai thương mại điện tử.
Theo khảo sát của VCCI, năm 2015, có khoảng 95% DN Việt Nam sử dụng internet nhưng có tới 60% DN gặp khó khăn trong việc ứng dụng internet. Về mức độ chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế số, Việt Nam đứng thứ 85/143 nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), internet đang xóa nhòa mọi khoảng cách, tốc độ tăng đường truyền băng thông internet sẽ tỉ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng GDP. Khi Việt Nam tăng băng thông lên tỉ lệ % nhất định thì tốc độ tăng trưởng GDP cũng tăng tỉ lệ nhất định. Do đó các DNVVN cần tận dụng các ứng dụng công nghệ số để phát triển.
Theo khuyến nghị của các công ty toàn cầu đã áp dụng công nghệ số thành công, trước khi tính tới việc áp dụng số hóa, DNNVV nên rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng quy trình sản xuất, kinh doanh của mình để đơn giản hóa và tự động hóa tối đa. Một khi đã áp dụng số hóa thì những số liệu đó phải “biết nói”, phải được sử dụng để phân tích thực tế của DN, từ đó tìm giải pháp để cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn.
Về phía Chính phủ cũng cần có các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ DNNVV ứng dụng công nghệ số thông qua chính sách khoa học công nghệ, thuế…