Kể từ khi Ngân hàng (NH) Sài Gòn Thương tín (Sacombank) phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) bằng VNĐ với lãi suất 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm và 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm, đến nay đã có NH đưa ra mức lãi suất còn hấp dẫn hơn.
Hút vốn trung, dài hạn
Chẳng hạn NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đưa ra mức lãi suất lên đến 9,2%/năm cho CCTG kỳ hạn 60 tháng với khoản tiền gửi từ 5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều NH cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng ở các kỳ hạn dài. Chẳng hạn NH Bản Việt (Viet Capital) có mức lãi suất huy động 7,8%/năm cho kỳ hạn 18-60 tháng, NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có lãi suất cuối kỳ 8%/năm cho các kỳ hạn từ 24-60 tháng…
Đây là mức điều chỉnh khá cao so với mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức trung bình 6,5%- 6,8%/năm của giai đoạn trước đó dành cho khách hàng cá nhân.
Lý giải xu hướng này, chuyên gia tài chính NH Nguyễn Trí Hiếu cho biết mục đích phát hành CCTG của các nhà băng nhằm thu hút vốn kỳ hạn dài cho các nhà băng trong bối cảnh khó huy động vốn tiết kiệm dài hạn. Thói quen của người gửi tiền là chọn kỳ hạn ngắn do lo ngại biến động về lạm phát, tỉ giá và dễ dàng chuyển đổi phương thức đầu tư. Trong khi đó, từ đầu năm nay, tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bị giảm từ 60% xuống còn 50% như quy định tại Thông tư 36 của NH Nhà nước và sẽ giảm tiếp về 40% vào năm 2018.
Trước đó, các NH đã có đợt tăng nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 1 năm nhưng số người gửi tiết kiệm kỳ hạn dài không nhiều. Do đó, các NH buộc phải chấp nhận bỏ thêm chi phí với lãi suất cao hơn để thu hút được nguồn vốn kỳ hạn tới 5-7 năm, vừa bảo đảm thanh khoản vừa cơ cấu lại dòng vốn của mình.
Không có áp lực tăng lãi suất
Trước xu hướng này, đại diện NH Nhà nước cho biết bên cạnh các NH tăng lãi suất, thị trường vẫn ghi nhận không ít NH điều chỉnh giảm lãi suất huy động VNĐ từ 0,1%-0,3%.
Chẳng hạn, VPBank giảm 0,1%-0,3%/năm các kỳ hạn, mức giảm lên đến 0,3% đối với kỳ hạn 15 tháng, còn 7,3%/năm; các kỳ hạn 7 và 12 tháng giảm 0,1%, xuống tương ứng 6,9% và 7,1%/năm. NH TMCP Bản Việt giảm 0,1% kỳ hạn 6 tháng, giảm kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng 0,1%, còn 7,8%/năm. Tương tự, NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng giảm 0,1%-0,3%/năm kỳ hạn 7 tháng, 12 tháng, 15 tháng...
“Việc các NHTM điều chỉnh tăng/giảm lãi suất theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường là hết sức bình thường. Do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số NH TMCP có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung - cầu thị trường. Thực tế thanh khoản của cả hệ thống NH hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất” - đại diện NH Nhà nước khẳng định và đánh giá nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các NH TMCP vẫn giữ ổn định.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng việc NH chấp nhận trả chi phí cao trong tương lai có thể chưa ảnh hưởng ngay đến lãi suất cho vay trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất CCTG cũng như lãi suất gửi tiết kiệm dài hạn hiện nay có thể khiến lãi suất cho vay sẽ nhích lên bởi giá vốn của các NH đã tăng lên. Cộng với tác động đã được dự báo trước đó như áp lực lạm phát tăng trở lại, đồng USD lên giá thì xu hướng tăng lãi suất trong năm nay trở nên rõ nét hơn. Điều này chắc chắn sẽ làm khó cho mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp như NH Nhà nước đã cam kết sẽ giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong năm 2017, nếu có điều kiện thì sẽ thực hiện giảm lãi suất cho vay.