Năm ngoái, Ngân hàng (NH) Nam Á là một trong số ít NH chia cổ tức cho cổ đông nhưng cũng chỉ ở mức 4%. Năm nay, HĐQT và lãnh đạo NH này quyết định chia cổ tức 5% bằng cổ phiếu.
Rất ít ngân hàng chia cổ tức
Theo báo cáo của HĐQT NH Nam Á, năm 2015 các hoạt động kinh doanh của NH đều đạt kế hoạch đề ra, từ tăng trưởng tổng tài sản, huy động, cho vay và lợi nhuận khả quan nhưng việc chia cổ tức cho cổ đông lại không như kỳ vọng. Mức cổ tức 5% được NH này đưa ra thấp hơn tiền lãi gửi tiết kiệm nhưng lại chia bằng cổ phiếu khiến nhiều cổ đông thắc mắc. Lãnh đạo NH Nam Á lý giải việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tạo nguồn lực để NH tiếp tục đầu tư, duy trì phát triển trong thời gian tới.
Nam Á là một trong rất nhiều NH chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu ở mùa đại hội cổ đông năm nay.
Tại đại hội cổ đông của NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), nhiều cổ đông cũng chất vấn lãnh đạo NH vì sao chia cổ tức bằng cổ phiếu? Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, cho biết quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt đã được HĐQT và ban lãnh đạo nghiên cứu kỹ. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay thì phương án này gắn với tăng vốn điều lệ của NH nhằm tăng năng lực tài chính cho SHB.
Tại một NH cổ phần quy mô lớn khác, có hội sở ở TP HCM, tờ trình về kết quả kinh doanh và phân phối lợi nhuận nêu rõ: do khoản lỗ lũy kế được hạch toán hồi tố cho năm 2014 liên quan đến điều chỉnh lợi nhuận từ năm 2010-2013, nên NH cần phải giữ lợi nhuận còn lại cho đến khi hết lỗ lũy kế. Vì vậy không chia cổ tức năm 2015. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của NH này cho thấy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 1.494 tỉ đồng nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã chiếm 1.433 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế và sau khi trích lập các quỹ chỉ còn 21 tỉ đồng. Riêng đối với những NH thuộc diện tái cơ cấu thì cổ đông biết chắc khả năng không có cổ tức, thậm chí ngay cả một số “ông lớn” NH năm nay cũng nói không với cổ tức.
Áp lực tăng vốn điều lệ
Tại đại hội cổ đông của NH TMCP có hội sở ở TP HCM, ban lãnh đạo NH này cũng thông báo không chia cổ tức năm 2015 và nhiều năm nay NH này đã không chia cổ tức, dù các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng vượt kế hoạch. Theo đó, toàn bộ lợi nhuận có thể phân phối sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ là hơn 2.215 tỉ đồng đều được NH duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Theo yêu cầu của NH Nhà nước, các NH thương mại phải tiến hành tăng vốn điều lệ để đáp ứng các chỉ tiêu tài chính. Do đó, phương án chia cổ tức của từng NH thương mại sẽ được NH Nhà nước cân nhắc và quyết định tùy thuộc vào tình hình tài chính của từng đơn vị. Đến thời điểm này, chỉ có một vài NH chia cổ tức bằng tiền mặt như Vietcombank 10%, BIDV 10,2%, ABBANK chia 3,9% cổ tức bằng tiền mặt và 10,9% cổ tức bằng cổ phiếu thưởng...
Lãnh đạo SHB lý giải tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh của NH trong thời gian tới. Dự kiến vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức 11.197 tỉ đồng (tăng 1.711 tỉ đồng) nhằm đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định cho việc phát triển mạng lưới kinh doanh, mở rộng cho vay và giao vốn cho công ty tài chính tiêu dùng SHB.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết có 2 lý do khiến các NH thương mại không chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu: do phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, bởi với những khoản nợ xấu dù đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng mỗi năm NH vẫn phải trích lập dự phòng thêm 20% trong vòng 5 năm. Đồng thời, các NH phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng các chỉ tiêu tài chính, tăng năng lực cạnh tranh mà chia cổ tức bằng cổ phiếu là phương án được nhiều NH lựa chọn.