Trong 15 năm nữa, máy móc có thể lái xe, chiến đấu thay binh sĩ, làm việc trong các dây chuyền sản xuất, chăm sóc khách hàng, điều hành các hoạt động tài chính, dịch văn bản nhanh hơn con người...
Mất việc hàng loạt?
Tờ Metro (Anh) dẫn báo cáo của công ty đa quốc gia PwC dự đoán 40% công việc ở Mỹ sẽ bị robot "cuỗm" mất vào năm 2030. Con số này ở Anh là 30%. Tại Mỹ, nghiên cứu công bố hồi tháng 3-2017 của nhà kinh tế Daron Acemoglu thuộc Trường ĐH Boston (Mỹ) cũng cho thấy cả việc làm lẫn mức lương ở những khu vực "tuyển dụng" nhiều robot đều giảm.
Công cụ tìm kiếm việc làm Adzuna đã nghiên cứu 79 triệu quảng cáo việc làm ở Anh trong vòng 2 năm qua và nhận ra hàng triệu người lao động đang bị đe dọa bởi máy móc (tự động hóa) và các công nghệ tiên tiến. Những đầu việc có nguy cơ cao nhất là trợ lý hiệu thuốc, đại lý du lịch, kỹ sư thiết kế, phiên dịch và phân tích hỗ trợ công nghệ thông tin. Ngay cả những ngành mang tính sáng tạo - vẫn được cho là "kháng robot" - nay cũng không "thoát", cụ thể là các nghề vẽ minh họa, làm phim hoạt hình hay viết lách đều chứng kiến số việc làm đi xuống. Ví dụ, Google đã thiết kế phần mềm dịch tự động, hãng tin AP dùng phần mềm viết một số bản tin tài chính, còn trang Yahoo dùng công nghệ tương tự để cho ra đời các bài báo thể thao.
Robot xuất hiện trong các nhà máy ngày càng nhiều Ảnh: Shutterstock
Trong khi đó, tại Nhật, robot và các thiết bị tự động khác - hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, đào đắp đất, dịch vụ phòng khách sạn... - là phao cứu sinh cho hàng loạt công ty vừa và nhỏ trước "cơn bão" dân số không chỉ già nhanh mà còn giảm mạnh. Theo thống kê của Ngân hàng Nhật Bản, những công ty có vốn từ 100 triệu đến 1 tỉ yen đều có kế hoạch tăng đầu tư khoảng 17,5% cho mảng tự động hóa trong tài khóa 2017. Nếu chiến lược này thành công, Nhật Bản hy vọng thúc đẩy được năng suất và đưa kinh tế tăng trưởng trở lại.
Không thể thay thế
Tuy nhiên, robot không phải là tin xấu cho mọi công nhân, theo GS kinh tế Michael Jones của Trường ĐH Cincinnati (Mỹ). "Công nhân điện, thợ sửa ống nước và các nhà thầu sẽ không bị thay thế" - ông Jones nói với tạp chí Time (Mỹ). Đồng quan điểm, ông Malcolm Frank - tác giả quyển "Làm gì khi máy móc làm hết mọi thứ" - nhấn mạnh những công việc nêu trên có những đòi hỏi khác nhau tùy theo môi trường và máy móc không thể thích nghi được với sự thay đổi đó. Tương tự, tờ Daily Mail (Anh) liệt kê những công việc mà robot khó lòng cạnh tranh với sự khéo léo của con người, bao gồm làm móng, bảo vệ, nấu bếp, phục vụ quán bar, lái xe nâng...
Ngay cả khi các công việc có thể được tự động hóa, điều này cũng không xảy ra một sớm một chiều. Một trong những rào cản là công nghệ mới thường phải có chi phí cao mới áp dụng được. Một trở ngại khác đến từ phản ứng của các khách hàng vốn đã quen tương tác với con người. "Liệu bệnh nhân/khách hàng có thích được robot tập vật lý trị liệu hay ghi món cho mình không?" - ông Jones đặt câu hỏi.
Bất chấp những cú sốc ban đầu, tác giả Frank cho rằng tự động hóa về lâu dài sẽ kích thích tính sáng tạo của con người. "Ví dụ giáo viên có thể hưởng lợi từ việc có robot hỗ trợ xem bài tập về nhà của học sinh, lọc ra nhu cầu của các em, bởi khi ấy giáo viên sẽ dồn sức cho những sáng tạo khác" - ông Frank nói. Trong khi đó, một số chuyên gia khác trấn an rằng robot lấy đi một số công việc nhưng chính từ thực trạng đó sẽ nảy sinh những công việc mới cho con người.