Anh Hải, làm việc trong phòng kinh doanh tại một sàn bất động sản cho hay, ngày mùng 6, toàn bộ nhân viên trong công ty bắt đầu đi làm trở lại. Tuy nhiên, việc đến công ty chủ yếu là làm thủ tục đặt cọc cho những khách hàng đã chốt mua từ cuối năm trước, gặp mặt đầu xuân. Sau đó, hầu hết nhân viên của sàn chưa bắt tay vào công việc ngay mà mọi người còn đi các đền, chùa cầu may đầu năm mới ở nhiều tỉnh, thành như Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình... Anh cũng chia sẻ, ít nhất phải đến tầm giữa tháng Giêng, các đồng nghiệp mới túc tắc quay lại với công việc tư vấn và mời chào khách hàng mới.
"Thực tế, đầu năm những người đến sàn đặt cọc là những khách hàng đã chốt từ trước Tết, họ xem ngày đẹp đến để làm thủ tục. Đầu năm người làm nghề môi giới cũng hạn chế chủ động liên hệ với khách mới, tránh phản cảm với họ. Hơn nữa, đầu năm, số dự án mới mở bán cũng hầu như chưa có", anh Hải nói.
Đây cũng là lý do khiến một số doanh nghiệp bất động sản, đơn vị phân phối địa ốc... cho nhân viên nghỉ dài hơn, tới ngày 10 tháng Giêng mới đi làm trở lại.
Ảnh minh hoạ
Tháng Giêng cũng là thời điểm mà những người làm công việc thu hồi nợ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn so với nghề khác. Anh Nam, đang làm ở bộ phận thu nợ của một ngân hàng lớn cho hay phải sau rằm tháng Giêng mới bắt tay vào việc đôn đốc nợ với khách hàng, để tránh "giông" đầu năm cho họ. Những ngày đầu năm, những nhân sự thuộc bộ phận của anh chủ yếu xử lý những công việc sổ sách, văn bản, xem hồ sơ khách hàng... khác hẳn với sự bận rộn của thời điểm trước Tết.
Một số công ty thu hồi nợ, đòi nợ thuê tại Hà Nội cũng thông báo nghỉ đến ngoài mùng 10 mới bắt đầu mở cửa văn phòng đón khách. Tuy nhiên, công việc thực sự phải đến ngoài Rằm tháng Giêng mới được khởi động trở lại.
"Dù sao người Việt mình vẫn còn nể nhau nên chẳng ai lại giục nợ đầu năm cả. Do đó, bản thân bên có nhu cầu thu nợ cũng không tìm đến chúng tôi vào những ngày đầu năm mới. Vì thế, việc đầu năm nếu có cũng chỉ là xử lý, bổ sung những hồ sơ pháp lý công nợ một cách đầy đủ để phục vụ cho việc thu nợ sau này", anh Tiến, nhân viên một doanh nghiệp thu nợ cho hay.
Một số mặt hàng kinh doanh cũng thất thu trong tháng đầu năm mới. Trước Tết thường là giai đoạn cao điểm bán các mặt hàng thời trang. Tuy nhiên, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán lại là thời điểm bán hàng rất chậm.
"Những người có nhu cầu đã mua từ trước Tết nên hàng đẹp hầu như đã hết. Hơn nữa, sau Tết do ít đợt rét nên các cửa hàng thường không nhập đồ đông nữa nên kiểu dáng mới cũng không được cập nhật thường xuyên", chị Hoa, chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Cầu Giấy cho hay.
Cũng theo bà chủ này, chị mở cửa ngày mùng 6 và hẹn một số khách quen đến mở hàng để lấy ngày nhưng sau đó lại đóng cửa hàng đi lễ đến ngoài mùng 10 mới kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, chị Hoa cũng cho hay, việc bán hàng suốt tháng Giêng khá chậm.