Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây, cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2017 bằng việc phát hành thêm cổ phần mới qua hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ với quy mô tương đương 10% vốn điều lệ tại thời điểm phát hành. Số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm tối đa là 3.597 tỉ đồng.
Ồ ạt xin tăng vốn
Lãnh đạo Vietcombank cho biết mục tiêu chính của việc tăng vốn lần này nhằm nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh, góp phần bảo đảm mức độ đủ vốn theo yêu cầu của Basel II. Đây cũng là bước chuẩn bị cho khả năng mua bán và sáp nhập khi điều kiện cho phép.
NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng trong năm nay nhằm nâng cao năng lực tài chính. Để đạt mục tiêu này, theo HĐQT Nam A Bank sẽ tăng vốn từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2015 là 150,8 tỉ đồng, tăng vốn từ phát hành cổ phiếu mới 1.828 tỉ đồng. Trước đó, trong năm 2016, NH này đã hoàn thiện hồ sơ trình NH Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức 2015 và hiện đang trong quá trình bổ sung phương án tăng vốn theo yêu cầu của NH Nhà nước.
Tại ĐHCĐ của NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây, Hội đồng Quản trị NH này cũng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thêm 4.445 tỉ đồng nhằm nâng mức vốn điều lệ lên 38.632 tỉ đồng vào cuối năm nay. BIDV dự kiến tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2016 và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Nhiều ngân hàng muốn tăng vốn điều lệ trong năm nay
Với số vốn điều lệ tăng thêm, BIDV cho biết sẽ dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh nhằm bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả, an toàn, trong đó có việc tập trung cho vay đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ...
Tăng vốn là cần thiết
Theo các NH, tăng vốn điều lệ trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhằm bảo đảm quy mô vốn phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh, bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động. Tăng vốn cũng là cơ sở quan trọng giúp NH mở rộng quy mô, mạng lưới hoạt động.
Hiện các NH thương mại đang hướng tới chuẩn mực thông lệ quốc tế, nên tăng vốn cũng nhằm đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR). Như tại NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), theo kế hoạch kinh doanh năm 2017 trình ĐHCĐ, chỉ tiêu tổng mức dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp năm 2017 của NH ước đạt 200.591 tỉ đồng.
Đại diện VPBank cho biết với kế hoạch này và ảnh hưởng từ tác động trong quy định của NH Nhà nước, để bảo đảm hệ số CAR tối thiểu 9% dự kiến tổng vốn tự có của NH tối thiểu phải đạt mức 18.000 tỉ đồng. Cộng thêm mục tiêu bảo đảm an toàn vốn theo các chỉ tiêu quản trị nội bộ, cam kết với các đối tác quốc tế, chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh mở rộng cho các năm tiếp theo, NH liên tục cần tăng trưởng vốn tự có trong hoạt động của mình. Do đó, VPBank cần bổ sung thêm khoảng 3.000 -4.000 tỉ đồng vốn điều lệ trong năm nay nhằm đáp ứng các nhu cầu hoạt động của NH và bảo đảm tuân thủ các tỉ lệ an toàn trong quá trình hoạt động.
Hội đồng Quản trị NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho biết việc tăng vốn điều lệ thêm gần 840 tỉ đồng trong năm 2017 lên mức 12.036 tỉ đồng của NH là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của NH. Nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định cho việc phát triển mạng lưới, công nghệ, mở rộng quy mô cho vay và đầu tư vào công ty tài chính tiêu dùng SHB.