ĐHCĐ luôn là dịp để kiểm tra sức khoẻ của các doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ
Trước hết là câu chuyện cổ tức. Trong khi phần lớn doanh nghiệp đều chia cổ tức như một cách chia sẻ lợi ích với cổ đông thì một số công ty lại “kiên trì” không trả cổ tức. Đó là trường hợp ở Masan, Techcombank, Du lịch Cần Thơ... Masan đã có 7 năm ròng không chia cổ tức.
Riêng Techcombank cũng đã 5 năm liền không trả cổ tức. Điều này khiến nhiều cổ đông ấm ức, cho rằng ban lãnh đạo đã quên quyền lợi của họ suốt nhiều năm liền, nhất là khi năm nào Techcombank cũng lãi lớn. Nhưng Techcombank luôn đưa ra lý do không chia cổ tức như để phục vụ mục đích kinh doanh, để giữ giá trị cho cổ phiếu khi lên sàn...
Techcombank không lên kế hoạch chi trả cổ tức, nhưng lại trích thù lao cho Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát ở mức cao. Năm 2014, mức thù lao cố định ở Techcombank là 27,98 tỷ đồng, còn năm 2015 là 28,3 tỷ dồng. Trong khi đó, thù lao cho Ban quản trị và Ban kiểm soát ở Vietcombank chỉ khoảng 18,6 tỷ đồng.
Ngân hàng BIDV thì vẫn trả cổ tức nhưng lại điều chỉnh vào phút chót. Thay vì trả cổ tức năm 2015 trên 9%, BIDV đã hạ mức chi trả này xuống còn 8,5%. Hình thức trả cổ tức là phát hành cổ phiếu chứ không chi trả bằng tiền mặt. Lãnh đạo BIDV lý giải, sau khi sáp nhập với Ngân hàng MHB, số lượng cổ phiếu BIDV tăng lên nên sẽ khó giữ được mức cổ tức như ban đầu. BIDV cũng không thể trả cổ tức bằng tiền mặt vì sẽ gây khó cho Ngân hàng trong kế hoạch tăng vốn hơn 9.400 tỷ đồng. Năm 2016, mức cổ tức ở BIDV dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
Cổ tức điều chỉnh giảm cũng khiến nhiều cổ đông ở Công ty Cấp nước Chợ Lớn (CLW) bức xúc. Nhưng ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch CLW, phân trần rằng lợi nhuận năm 2015 tăng do được bồi thường chứ không đến từ hiệu quả hoạt động. Gần 3 năm qua, giá nước không tăng, trong khi CLW phải tăng đầu tư như thay đồng hồ mới, tìm cách giảm thất thoát nước.
CLW dự kiến kế hoạch lợi nhuận giảm một nửa trong năm 2016 do không còn khoản lãi từ bồi thường. Tương tự, mất nguồn thu đột biến, Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) đã đề ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2016 giảm mạnh.
Nhưng cũng chính nhờ ước lượng được nguồn thu đột biến mà một số công ty đã đề ra kế hoạch lợi nhuận tăng ấn tượng. Đó là Công ty Kinh doanh Khí hỏa lỏng miền Nam (PGS) với nguồn thu từ thoái vốn khỏi CNG ước hơn 300 tỷ đồng. Nghĩa là 75% mục tiêu lợi nhuận năm 2016 của PGS sẽ đến từ khoản thu nhập bất thường này. Tương tự, lợi nhuận trước thuế ở Transimex (TMS) dự kiến tăng 25% trong năm nay nhờ khoản lãi từ thoái vốn ở Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH).
Đối với những công ty đang hoạt động trong các ngành chịu nhiều biến động thị trường như thép, dầu khí, cao su thiên nhiên..., việc xây dựng kế hoạch kinh doanh khá khó khăn. Cổ đông ở PV Gas (GAS) không khỏi nghi ngại khi nhìn vào kế hoạch kinh doanh dựa trên giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Nhưng lãnh đạo PV Gas chia sẻ thêm, PV Gas cũng đã dự trù nhiều kịch bản, từ phương án xấu nhất là giá dầu xuống mức 20 USD/ thùng cho tới trên 60 USD/thùng. Trường hợp giá dầu giảm xuống mức 30 USD/thùng, lợi nhuận sẽ giảm 50% so với kế hoạch.
Với những doanh nghiệp có thể gặp rủi ro, như nỗi lo Tổng Công ty Vận tải Dầu khí (PVT) bị “mất việc” nếu nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng cửa, lãnh đạo PVT cho rằng, chuyện này khó xảy ra; dù có xảy ra thì vẫn không đáng lo bởi PVT có nhiều hợp đồng quốc tế. Nhưng PVT cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phải chú ý đến rủi ro tỷ giá.
Tỉ giá là 1 trong 4 nguyên nhân khiến May Thành Công (TCM) không thể về đích kế hoạch lợi nhuận trong năm 2015. Năm nay, ông Kim Dong Ju, Tổng Giám đốc TCM, cho rằng tỷ giá vẫn là rủi ro tiềm tàng và Công ty sẽ ghi nhận rủi ro lỗ 2 triệu USD từ việc tiền đồng được dự báo giảm 5%.
Ở các doanh nghiệp gặp áp lực cạnh tranh cao, như Vinasun (VNS) đụng độ với Uber và Grab, cổ đông luôn quan tâm đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đại diện lãnh đạo Vinasun cho biết, họ đã chấp nhận cuộc chơi với các đối thủ này và sẵn sàng thay đổi. Vinasun đã triển khai ứng dụng giống như Uber và Grab và đầu tư xe mới. Không chỉ vậy, Vinasun sẽ tái cơ cấu công ty, nghiên cứu những phương thức kinh doanh khác nhau tùy thuộc vào từng địa bàn.
Một số doanh nghiệp như Licogi 16 (LCG) tái cơ cấu theo hướng chuyển đổi ngành nghề. Chiến lược của LCG là chuyển hướng vào mảng xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghiệp hơn là đầu tư bất động sản. Vì thế, Công ty sẽ ngừng phân bổ tiền cho bất động sản, tìm cách chuyển nhượng các dự án bất động sản không hiệu quả. LCG kỳ vọng những thay đổi trên sẽ giúp Công ty đạt tăng trưởng doanh thu bình quân 35%/năm và 40%/năm về lợi nhuận cho giai đoạn 2016-2020.
Dù không rẽ hướng kinh doanh như LCG, nhưng để phát triển, gia tăng năng lực, các công ty vẫn phải đầu tư mở rộng. Đây cũng là thước đo để giới đầu tư đánh giá tiềm năng công ty. Nhưng khi Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Idico (HTI), doanh nghiệp có quy mô vốn chưa tới 300 tỷ đồng, lại “ôm” 2 dự án với vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng, cổ đông lại băn khoăn về khả năng huy động vốn của Công ty. Ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc HTI, cho biết, ngoài chuẩn bị vốn đối ứng là 15% tổng đầu tư cũng như đi vay, HTI có thể sẽ xem xét phương án tăng vốn điều lệ vào năm 2017. Tăng vốn cũng là chủ đề nóng ở nhiều doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng và công ty bất động sản, xây dựng.
Nhưng bên cạnh việc xem xét động cơ tăng vốn, các cổ đông cũng rất muốn biết hiệu quả của những khoản đầu tư, cho vay. Vì thế, câu chuyện nợ, giải quyết nợ ở Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã được chất vấn liên tục ở Đại hội cổ đông BIDV. BIDV hiện là chủ nợ khá lớn tại HAG với mức dư nợ còn hơn 10.000 tỷ đồng. Nhưng nếu câu chuyện nợ ở HAG còn chờ nhiều bên phối hợp giải quyết thì Gỗ Trường Thành (TTF) đã tìm được lối thoát. Theo đó, TTF trở thành công ty con của Vingroup, thông qua việc phát hành cổ phiếu chuyển đổi nợ cho một đơn vị thuộc Vingroup.
Còn với Công ty Giống cây trồng Trung ương (NSC), mối bận tâm của cổ đông là câu chuyện hậu M&A với Công ty Giống cây trồng miền Nam (SSC). Năm ngoái, NSC đã gia tăng đầu tư và biến SSC thành công ty con của mình. Nhưng năm 2015, SSC lại sụt giảm cả doanh thu lẫn lợi nhuận, trong khi 4 năm trước đó liên tục tăng. Lãnh đạo NSC trấn an rằng, đó là vì SSC đang gặp một số khó khăn về quản lý, định hướng, chiến lược cũng như những bất lợi từ thiên nhiên... Tuy nhiên, NSC có thể tận dụng thế mạnh về sản phẩm đa dạng, thương hiệu của SSC để mở rộng tiến vào miền Nam và nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới. Đồng thời, trong thời gian này, NSC cũng đang tích cực cải tổ bộ máy của SSC để hoạt động hiệu quả hơn.
Định hướng của NSC là trở thành tập đoàn. Một số doanh nghiệp lại muốn tăng cường sức mạnh bằng cách mở rộng cửa cho khối ngoại. Nguyện vọng này, dưới tác động của chính sách, đã thuận lợi hơn, khiến cho nới room trở thành đề tài sôi nổi của mùa đại hội cổ đông năm nay. Từ cái tên đầu tiên là SSI, đến nay hàng loạt công ty cũng đã đệ trình và được cổ đông thông qua ý định nới room 100% như Vĩnh Hoàn, Domesco, SMC, Ninh Vân Bay...