Lĩnh vực dược phẩm của Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao và nhận được nhiều khuyến khích từ Chính phủ về đầu tư phát triển.
Sôi động thị trường dược hội nhập
Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) dược Việt Nam chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng tân dược của người dân, hầu hết chỉ sản xuất các dòng thuốc phổ biến có giá rẻ. 50% nhu cầu còn lại và biệt dược có giá trị cao là nhập khẩu và đều do DN ngoại thống lĩnh. Vì vậy, khi thị trường mở cửa, trước thềm Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), con đường ngắn nhất và hiệu quả hơn cả để DN nội tăng sức cạnh tranh và thị trường dược Việt Nam theo kịp trình độ thế giới là sản xuất thuốc nhượng quyền và chủ động hợp tác với các tập đoàn dược đa quốc gia. Mua bán và sáp nhập (M&A) ngành dược vì thế đang trở lên sôi động. Gần đây nhất, Công ty Chăm sóc sức khỏe toàn cầu Abbott (Mỹ) đã chính thức mua lại công ty dược Việt Nam Glomed, trở thành 1 trong 10 DN dược hàng đầu tại Việt Nam.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, với sự tham gia của các DN dược phẩm hàng đầu thế giới, thị trường dược phẩm Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bởi vì các DN dược phẩm nước ngoài không chỉ bỏ vốn đầu tư mà còn mang theo công nghệ, kỹ thuật, chuyên gia góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm dược Việt Nam.
Là công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu, tại Việt Nam, Abbott đang hoạt động với nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong đó 4 ngành hàng chính là: dinh dưỡng, dược phẩm, chẩn đoán và thiết bị y khoa. Ông Ngô Văn Huy, Tổng Giám đốc ngành hàng dược phẩm của Abbott Việt Nam, cho biết việc mua lại Glomed tạo điều kiện cho Abbott nâng cao khả năng phục vụ cho nhu cầu điều trị bệnh của người Việt Nam với các giải pháp chăm sóc sức khỏe trên nền tảng khoa học công nghệ sáng tạo, chất lượng cao. Abbott có kế hoạch phát triển dựa trên những thành công hiện tại của Glomed, nhằm bảo đảm sự phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Người dân hưởng lợi
Theo báo cáo của BMI Research, thị trường dược phẩm Việt Nam dự kiến tăng từ 4,2 tỉ USD năm 2015 lên 7,2 tỉ USD năm 2020 và được kỳ vọng tiếp tục giữ mức tăng trưởng ít nhất 15% trong 5-10 năm tới.
Với năng lực tài chính lớn, chú trọng đề cao trách nhiệm xã hội, các DN nước ngoài luôn tạo ra những chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng hiệu quả tại Việt Nam. Ngoài ra, Abbott cũng thường xuyên cập nhật giải pháp y tế và thông tin mới nhất về dinh dưỡng lâm sàng cho hơn 26.000 chuyên gia y tế. Hơn 619.000 bệnh nhân được hỗ trợ thông qua chương trình giáo dục Abbott phối hợp với bệnh viện và các tổ chức y tế.
Hay chương trình Dinh dưỡng Nhi khoa do Abbott phối hợp với Tổ chức Nhân đạo Americare và Giao Điểm đã hỗ trợ được hơn 25.000 trẻ em tại các địa phương có tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao nhất tại Việt Nam. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở các trẻ em tham gia đã giảm xuống tương đương 20%, vượt mục tiêu Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc.
Đại diện Liên đoàn Ngành công nghiệp và Hiệp hội Dược phẩm châu Âu (EFPIA) cho rằng đây là thời điểm Chính phủ Việt Nam cần có chính sách khuyến khích ưu đãi phù hợp thu hút sự đầu tư lâu dài và bền vững từ các DN dược phẩm nước ngoài. Bởi mỗi quốc gia đều đang đối mặt với những thách thức khác nhau trong việc bảo đảm chất lượng, nâng cao mức tiếp cận của người dân đến với hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Vì thế, đây cũng là cơ hội cho các tập đoàn nước ngoài như Abbott để đầu tư và phát triển bền vững ngành dược phẩm tại Việt Nam.