Ngày 13-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (DNNVV). Việc lấy ý kiến được coi là rất quan trọng trước khi dự thảo luật này được trình Quốc hội vào tháng 5-2017.
Không biết xếp vào loại nào
Theo dự thảo, DNNVV được quy định là DN có số lao động bình quân năm trước liền kề không quá 300 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỉ đồng; doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng.
Góp ý cho dự thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dẫn chứng có DN trong ngành chỉ có vốn điều lệ 5 tỉ đồng nhưng sử dụng lao động tới 1.000 người thì không rõ được xếp vào loại nào. “Đặc thù của ngành dệt may trong nước là sử dụng nhiều lao động. Toàn ngành hiện có 3,6 triệu lao động thuộc 6.000 DN. Nếu đưa ra quy định về vốn như trên thì ngay cả Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty May Việt Tiến sử dụng hàng chục ngàn lao động cũng vẫn là DNNVV... Nên sửa theo hướng DN thuộc ngành hàng nào thì có vốn điều lệ là bao nhiêu cho phù hợp” - chủ tịch Hiệp hội Dệt may kiến nghị.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng nên quy định DN có từ 2.000 lao động trở xuống là đối tượng cần hỗ trợ. Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất, ông Việt Anh đề xuất không nên bán đất cho DN mà nên cho thuê từ 5-50 năm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ DN thông tin về thị trường nước ngoài, kinh phí tham dự xúc tiến thương mại ở nước ngoài và có đầu mối cung cấp thông tin cho DN thuận tiện khi tra cứu...
Quá tham vọng nên thất vọng
Xung quanh 7 nội dung hỗ trợ cho các DNNVV, gồm: Hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin và tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN hỗ trợ Việt Nam, bày tỏ: “Đọc luật này tôi thấy quá buồn vì nó giống như một bài văn mẫu, làm cho có. Luật dài, oai, hoành tráng nhưng không khả thi. Giả sử luật này có được ban hành, cũng không thể đi vào đời sống”. Lý do, theo ông Tuất, là bởi 7 nội dung hỗ trợ như trên tương ứng với 7 luật khác mà Luật Hỗ trợ DNNVV cũng không thể “đè” lên bằng đấy luật, như: Luật Tín dụng, Luật Đất đai… Như vậy, Luật Hỗ trợ này là vô dụng.
Chưa kể đến, theo ông Tuất, hỗ trợ DN là vấn đề nhạy cảm, kiêng kỵ. Bởi lẽ, sự hỗ trợ này dễ vi phạm cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. Ông đề nghị bỏ chữ “hỗ trợ” trong tên luật mà thay bằng chữ “bảo vệ” bởi DN không cần hỗ trợ, họ cần bình đẳng, sòng phẳng và được bảo vệ.
“Ngoài ra, về mức hỗ trợ, với khoảng 97% DN có quy mô nhỏ và vừa, tương đương khoảng 500.000 DN thì giả sử mỗi DN được hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng thôi, chỉ là con số quá bé, thì ngân sách cũng đã “vẹo” rồi” - ông Tuất nói thêm.
Lắng nghe ý kiến góp ý của các hiệp hội, DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thừa nhận: “Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đã quá tham vọng nên dẫn tới thất vọng. Đúng là có thể thay chữ “hỗ trợ” trong tên luật thành chữ “bảo vệ” hoặc “phát triển” chẳng hạn”.