Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (GSTCQG) vừa đưa ra nhận định nếu không có sự đột biến về giá hàng hóa thế giới và chưa tính đến việc điều chỉnh giá dịch vụ công trong những tháng cuối năm, lạm phát bình quân năm 2017 chỉ ở mức 2,4%.
Lạm phát giảm tốc
Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 vừa được công bố, Ủy ban GSTCQG cho biết lạm phát so với cùng kỳ đang có xu hướng giảm kể từ tháng 2 năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ và tăng 0,2% so với đầu năm. Như vậy, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp hơn mức trung bình 4,74% của 6 tháng năm 2016 nhưng cao hơn so với mức 1,72% của cùng kỳ năm 2016.
Ủy ban GSTCQG cho biết từ nay đến cuối năm, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đang được ổn định. Nếu không có sự đột biến về giá hàng hóa thế giới, cũng như chưa tính đến việc điều chỉnh giá dịch vụ công trong những tháng cuối năm, lạm phát bình quân năm 2017 khoảng 2,4%. Cơ quan này cũng đưa ra dự báo nếu giá dịch vụ công được điều chỉnh tương đương với mức điều chỉnh bằng 50% mức điều chỉnh đã thực hiện trong năm 2016, lạm phát sẽ tăng khoảng 1,8-2 điểm %. Nếu tỉ giá USD/VNĐ tăng 1% sẽ làm lạm phát tăng 0,17 điểm %; nếu giá điện tăng 8%-10% sẽ làm lạm phát tăng khoảng 0,3-0,4 điểm %.
Giá xăng dầu biến động mạnh dễ ảnh hưởng đến CPI Ảnh: Tấn Thạnh
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), một số yếu tố làm tăng CPI trong nửa đầu năm 2017 là do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ khám chữa bệnh và giáo dục của cơ sở công lập. Nhu cầu, sức mua hàng hóa, dịch vụ, đi lại, du lịch tăng cao theo quy luật vào các kỳ nghỉ dài. Bên cạnh đó còn do giá nhiên liệu thị trường thế giới tăng, tác động vào giá trong nước với 12 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Việc tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở doanh nghiệp cũng là yếu tố làm tăng CPI trong thời gian qua.
Ít khả năng biến động lớn
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã tận dụng những thời điểm diễn biến giá cả thị trường biến động ở mức thấp để thực hiện bước 2 về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại 27 địa phương còn lại. Như vậy đến nay đã hoàn thành bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại cả 63 tỉnh, thành phố.
Các chuyên gia kinh tế dự báo tình hình giá cả trong 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều biến động lớn. TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính, nhận định tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được kiểm soát ổn định và có những chuyển biến theo hướng tích cực nên sẽ là cơ sở quan trọng cho việc giữ ổn định chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống như điện, xăng dầu, phân bón, khí hóa lỏng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chữa bệnh cho người, thóc gạo, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi... Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá, nhất là đối với các mặt hàng do nhà nước quản lý; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.