Đây là kết quả được Tổng cục Thống kê công bố về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong quý II/2017 và dự kiến quý III sắp tới. Trong đó, nhiều DN xuất khẩu cho biết đã có đơn hàng đến cuối năm giúp ổn định hoạt động sản xuất. Số lượng DN mới gia nhập thị trường cũng tăng mạnh cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện.
Hấp thụ vốn tốt
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2017 cho thấy có 43% DN đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; 19,2% DN đánh giá gặp khó khăn và số DN còn lại cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định. Dự kiến trong quý III có 52,1% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; chỉ khoảng 12% DN dự báo khó khăn hơn và số DN còn lại cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, có 58,3% DN cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất; 45,6% DN nói do nhu cầu thị trường trong nước thấp. Đồng thời, 32,5% DN được hỏi cho rằng gặp khó khăn về tài chính, 26,5% DN cho rằng lãi suất cao và 21,6% DN cho biết tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng.
Liên quan đến lãi suất cho vay, thống kê của Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thấy hiện mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định so với đầu năm. Vừa qua, một số NH thương mại có động thái tăng lãi suất huy động nhưng mức độ tăng nhỏ, không thể hiện xu hướng tăng của thị trường. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn, 9%-11%/năm đối với trung dài hạn. Riêng nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh lãi suất cho vay ở mức 4%-5%/năm. Tổng cục Thống kê cho rằng tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ những năm trước cho thấy khả năng hấp thụ vốn của DN đã có sự cải thiện đáng kể.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở hầu hết các ngành Ảnh: Vĩnh Tùng
Về lượng đơn đặt hàng, có 39,2% DN tham gia khảo sát cho biết đơn đặt hàng quý II năm nay cao hơn quý trước; chỉ 18,3% DN có đơn đặt hàng giảm và số DN còn lại có đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng trong quý III cũng khả quan hơn so với quý trước khi nhiều DN dự kiến có đơn hàng tăng lên hoặc ổn định. Riêng lĩnh vực xuất khẩu, nhiều DN cho biết đã có đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm, tình hình đơn hàng dồi dào hơn năm trước giúp DN có thêm sự lựa chọn, tìm kiếm khách hàng tốt hơn.
DN mới gia nhập thị trường tăng mạnh
Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình đăng ký DN trong 6 tháng đầu năm cho thấy tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trên cả nước là 76.655 DN. Trong đó, cả nước có thêm 61.276 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 596.196 tỉ đồng, tăng 12,4% về số DN và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Tỉ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 6 tháng đầu năm cũng đạt 9,7 tỉ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng DN đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký kể từ tháng 3-2017 đến nay đều đạt mức cao nhất so với cùng kỳ những năm trước.
Nếu tính theo lĩnh vực hoạt động, tình hình DN đăng ký thành lập mới tăng ở hầu hết các ngành so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tăng mạnh như kinh doanh bất động sản, tài chính - NH và bảo hiểm, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, giáo dục và đào tạo. Đồng thời, số DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm cũng tăng so với cùng kỳ năm trước với 15.379 DN ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Tăng trưởng GDP trong quý II khởi sắc trở lại khi đạt mức 6,17%, mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay, cùng với hàng loạt giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ giúp môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, NH HSBC Việt Nam cũng nhận định các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đang tiếp tục tăng trưởng. Sản lượng đầu ra, công ăn việc làm, đơn hàng mới tiếp tục gia tăng. Đồng thời, triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới vẫn khả quan nhờ vào các thế mạnh của lĩnh vực sản xuất và các khu vực thiên về xuất khẩu.