Nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, hoạt động kinh doanh của họ đóng góp vào GDP khoảng 11%-13% GDP.
Thừa nhận thất thu thuế
Sở dĩ số liệu của 2 cơ quan khác nhau vì hộ kinh doanh chưa nằm trong số liệu thống kê chính thức của hệ thống thông tin quốc gia. Số hộ nộp thuế thấp hơn số hộ thống kê cũng phản ánh công tác thu thuế đối với khu vực kinh tế này chưa hiệu quả.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết hiện nay, hộ kinh doanh được ấn định thuế khoán hằng năm. Mức thuế khoán được cơ quan thuế khảo sát trên thực tế doanh thu của hộ kinh doanh, sau đó công khai để các hộ kinh doanh khác và hội đồng tư vấn thuế cấp phường/xã giám sát. Ông Nguyễn Đại Trí thừa nhận vẫn có tình trạng thất thu thuế đối với hộ kinh doanh. Nguyên nhân do các hộ kinh doanh không thực hiện sổ sách kế toán, giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt, mức thuế ấn định được đưa ra dựa trên quan sát... Vì vậy nhiều hộ kinh doanh quy mô như nhau, áp mức thuế bằng nhau nhưng hiệu quả kinh doanh khác nhau nên chưa đúng, chưa sát với doanh thu từng hộ.
Các giải pháp thu hiện nay phụ thuộc nhiều vào việc giám sát lẫn nhau của các hộ kinh doanh. Ngành thuế đang nghiên cứu thêm giải pháp để từng bước quản lý tốt hơn doanh thu của khu vực này như giám sát qua việc sử dụng máy đếm tiền; tuyên truyền để người tiêu dùng quen với việc lấy hóa đơn để giám sát doanh thu hộ kinh doanh... Mục đích nhằm bảo đảm mức thuế khoán với các hộ kinh doanh công khai, minh bạch, ngăn chặn thỏa thuận giữa cơ quan thuế và hộ kinh doanh để lách thuế. Đồng thời ngành thuế cũng nghiên cứu giải pháp hỗ trợ để hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp (DN). Vì những hộ kinh doanh lớn, doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, sử dụng nhiều hóa đơn (như nhà hàng, khách sạn...) việc áp dụng thuế khoán không còn phù hợp, dễ bị lợi dụng để lách thuế.
Chưa nhận thức được lợi ích
Tuy nhiên, câu chuyện chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN đang gặp nhiều khó khăn cho dù mới đây, Chính phủ đã thêm một lần đốc thúc. Để đạt được mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020, nền tảng cơ bản vẫn chính là sự chuyển đổi lên từ khu vực kinh tế hộ gia đình.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng nhiều chủ hộ kinh doanh không muốn chuyển sang DN mặc dù đã hoạt động đến quy mô phải thành lập DN. Nguyên nhân đầu tiên là vẫn muốn được hưởng thuế khoán với thủ tục khai báo thuế đơn giản, bên cạnh đó là tránh được các thủ tục hành chính do rườm rà, chưa phù hợp với họ như chi phí thời gian, hoạt động sổ sách kế toán... Vì lý do này nên họ không nhận thức được những lợi ích tốt hơn khi chuyển đổi thành DN trong tiếp cận mặt bằng, tín dụng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng muốn “lớn lên”, hộ gia đình buộc phải chuyển đổi thành DN để hoạt động một cách minh bạch, bài bản. Tuy nhiên, khi chuyển đổi hoạt động, DN phải mở sổ sách, thuê kế toán, báo cáo tài chính, mua bảo hiểm, nộp phí Công đoàn... có khả năng làm tăng chi phí hoạt động. Đây chính là điều các chủ hộ kinh doanh còn trăn trở. Do đó, cơ quan quản lý cần tính toán kỹ lưỡng hơn để xem 1 hộ kinh doanh trở thành DN chính thức hoạt động theo Luật DN thì chi phí của họ tăng như thế nào. Từ đó có cách giải quyết, vận động để khu vực kinh doanh không chính thức tự nguyện chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình DN, đem lại hiệu quả cho người kinh doanh và cả nền kinh tế.
TP HCM có 280.000 hộ kinh doanh cá thể
Cục Thuế TP HCM cho biết hiện nay TP có trên 280.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ đóng góp 2% cho ngân sách TP, 98% còn lại do hơn 270.000 DN khác đăng ký kinh doanh đóng góp. Nhiều hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện về số lao động, tiềm năng, quy mô nhưng vẫn chưa phát triển đúng với khả năng. Hiện có khoảng 14.000 hộ kinh doanh cá thể đủ khả năng lên DN.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tưTP HCM cho rằng việc chuyển hộ kinh doanh cá thể lên DN là nhiệm vụ rất nặng nề. Nhưng TP xác định phải làm được và vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang mô hình DN với những chế độ, chính sách hỗ trợ cụ thể.