TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận xét như trên xung quanh câu chuyện hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) phát triển và hội nhập. Theo đó, để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cần thu hẹp lĩnh vực hoạt động của DN nhà nước hiện nay nhằm tạo điều kiện để thị trường phân bố hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng.
Nhiều nhưng chưa mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 14.400 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 152.600 tỉ đồng, tăng 3,9% số DN và tăng 35% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả 181.300 tỉ đồng của các DN thay đổi tăng vốn sẽ nâng tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm lên hơn 333.900 tỉ đồng. Số DN quay trở lại hoạt động cũng tăng đáng kể trong 2 tháng đầu năm.
Trước đó, tính đến hết năm 2016, cả nước có hơn 500.000 DN đang hoạt động và số lượng DN thành lập mới trong năm trên 110.100 DN, tăng cao kỷ lục từ trước đến nay và cũng là năm đầu tiên Việt Nam có trên 100.000 DN thành lập trong một năm, cho thấy hiệu quả và tác động tích cực từ việc cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh từ nhà nước.
Có điều, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các DN nhỏ và vừa hiện vẫn còn rất yếu, muốn vươn lên mạnh mẽ cần phải phát triển hệ thống DN gắn kết được giữa các DN trụ cột lớn của nền kinh tế với cộng đồng DN nhỏ và vừa. Phải gắn kết để phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với quốc tế như hiện nay. “Thời gian qua, cộng đồng DN trông đợi rất nhiều vào cải cách, tháo gỡ thể chế cho thấy thể chế đang “trói” rất nhiều khiến DN không lớn được từ thuế, thủ tục hành chính, chi phí bôi trơn…” - ông Thiên nhận xét.
Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng
Theo TS Trần Du Lịch, hệ thống pháp luật đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện phù hợp với các cam kết hội nhập, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cho DN. Hoạt động kinh doanh được lành mạnh hơn sẽ tạo cơ hội to lớn cho các DN làm ăn chân chính, cạnh tranh bằng chính năng lực của mình, đồng thời cũng làm mất cơ hội đối với DN làm ăn không dựa trên năng lực mà dựa vào các phương tiện không chính đáng.
Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2016, trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đối diện với thách thức trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã nỗ lực tạo ra động lực mới cho sự phát triển, với quyết tâm của một “Chính phủ hành động”. Hàng loạt nội dung nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, giảm thủ tục hành chính và hỗ trợ phát triển DN được đề cập trong Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ đang được các bộ ngành, địa phương triển khai, góp phần thúc đẩy phát triển DN.
“Chủ trương của Chính phủ là nhà nước kiến tạo, lấy DN làm đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư kinh doanh. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để rút ngắn con đường từ nghị quyết đến đời sống thực tiễn” - TS Trần Du Lịch nói.
Như trong câu chuyện khởi nghiệp, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng cần đi vào thực tế chứ không chỉ là phong trào nhất thời. Việt Nam là một trong những địa chỉ có cách tiếp cận văn hóa hợp với khởi nghiệp. Cần đẩy nhanh lên thành quốc gia khởi nghiệp, tạo động lực tinh thần quan trọng nhưng không nên là phong trào nhất thời. Bởi khởi nghiệp không phải là câu chuyện dễ dàng khi trên thế giới chỉ có vài quốc gia thành công về khởi nghiệp như Israel, Nhật Bản…
Như lời PGS-TS Trần Đình Thiên, hãy bắt đầu khởi nghiệp với sự hỗ trợ của Chính phủ theo nghĩa không phải bung tiền ra, hô hào mà hỗ trợ bằng đổi mới sáng tạo, cơ chế, chính sách. Khởi nghiệp cần bắt đầu từ câu chuyện ở các trường đại học, gắn với DN, hiệp hội, các trung tâm nghiên cứu phát triển, cộng đồng nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, nếu không có những nhà đầu tư là DN tư nhân, tập đoàn lớn tham gia và thị trường cạnh tranh không lành mạnh thì dự án khởi nghiệp khả năng tỉ lệ thất bại rất cao.