Không những thế, giá vàng trong nước có thời điểm thấp hơn giá thế giới. Vậy, diễn biến của giá vàng sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Ảnh minh hoạ
Trong một thời gian dài, cơn lốc vàng hóa nền kinh tế đã khiến tất cả những tài sản có giá trị đều bị quy ra vàng. Người dân đua nhau mua vàng không phải để sử dụng làm trang sức, hay quà tặng, nhiều người mua chỉ để tích trữ. Điều đó dẫn tới có lúc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới khá mạnh.
Để làm dịu cơn sốt giá vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa SJC trở thành thương hiệu vàng miếng duy nhất được chấp nhận. Thời điểm đó, cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc trao cho SJC cái mác "độc quyền", vì tạo điều kiện cho thương hiệu vàng miếng đội giá. Khoảng cách giữa thị trường trong nước và thế giới liên tiếp bị nới rộng, từ ngưỡng 2 triệu đồng/lượng lên 3 triệu, thậm chí là 5-6 triệu đồng/lượng. Thời điểm đó, khoảng cách 1 triệu đồng/lượng giữa 2 thị trường chỉ dừng ở kỳ vọng của người dân, thậm chí nhiều người khẳng định giá vàng trong nước sẽ không thể lùi sát với giá thế giới, bởi Việt Nam là nước nhập khẩu vàng.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 3-2016, đà tăng của giá vàng đã dừng lại, đưa giá trong nước ngang bằng với giá thế giới, thậm chí có thời điểm giá trong nước rẻ hơn thế giới. Ngày 4/3, trong khi giá vàng trong nước giao dịch ở mức 33,73 triệu đồng/lượng (mua vào) - 33,83 triệu đồng/lượng (bán ra), giá vàng thế giới "leo" lên 1.262 USD/ounce, quy đổi ra VND theo tỷ giá của Vietcombank, giá trong nước đã thấp hơn thế giới.
Ông Phan Khánh Trọng (Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ) cho biết: Trong phiên giao dịch ngày 4/3, giá vàng thế giới có sự biến động mạnh trước báo cáo việc làm của Mỹ tiến triển tốt, có thời điểm giá dao động ở biên độ 1.256-1.274,9 USD/ounce. Điều này có tác động đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xem xét nâng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới.
Tuy có những thông tin tích cực từ nền kinh tế Mỹ, nhưng các nhà đầu tư trên thế giới vẫn cho rằng thị trường vàng sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn. Đối với thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được giao dịch thấp hơn giá thế giới 20.000-50.000 đồng/lượng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji: 33,83 triệu đồng/lượng (mua vào) - 33,93 triệu đồng/lượng (bán ra); Eximbank: 33,79 triệu đồng/lượng (mua vào) - 33,89 triệu đồng/lượng (bán ra); Sacombank: 33,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 33,9 triệu đồng/lượng (bán ra). Riêng giá vàng trang sức 99,99 thấp hơn giá vàng thế giới 140.000-500.000 đồng/lượng: Nhẫn vàng 99,99 tại SJC: 33,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 33,8 triệu đồng/lượng (bán ra); Bảo Tín Minh Châu: 33,49 triệu đồng/lượng (mua vào) - 33,94 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tuy nhiên, giá vàng trong nước không thấp hơn thế giới quá lâu, bởi trên thực tế, Việt Nam vẫn là một nước nhập khẩu vàng, nên giá vàng trong nước biến động chủ yếu do thế giới. Trong những ngày giao dịch cuối tuần trước cũng như đầu tuần này, giá vàng trong nước đã tăng trở lại để "leo" lên ngang bằng với thế giới. Cụ thể, trong ngày 8-3, trên thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 33,85 triệu đồng/lượng (mua vào) - 34,12 triệu đồng/lượng (bán ra). Chủ một cửa hàng vàng trên phố Hàng Bột, bà Nguyễn Kim Hòa cho rằng, giá vàng thế giới biến động quá lớn trong ngày, khiến giá vàng trong nước không "chạy" kịp, nên có tình trạng giảm thấp hơn thế giới. Khi giá thế giới ổn định, giá vàng trong nước sẽ có sự điều chỉnh theo thế giới. Thời gian tới, dự báo giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng giá để chinh phục lại ngưỡng 1.300 USD/ounce. Mặc dù những thông tin liên quan đến nền kinh tế Mỹ đều lạc quan, nhưng FED khó điều chỉnh tăng lãi suất ngay nên dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào vàng thay vào những kênh đầu tư khác.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: Những năm trước, giá vàng trong và ngoài nước vênh nhau lớn là cơ hội cho vàng lậu tuồn vào Việt Nam. Nay giá vàng hai thị trường này sát nhau sẽ góp phần làm giảm tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng, qua đó góp phần ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Đây sẽ tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế...
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, thị trường vàng đã dần ổn định. Đến nay, có thể tự điều tiết tốt ngay cả khi giá vàng quốc tế biến động mạnh, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô. Nhu cầu mua, nắm giữ vàng miếng giảm, tình trạng "vàng hóa" đã từng bước được ngăn chặn, vàng miếng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn, không được sử dụng làm phương tiện thanh toán như giai đoạn trước đây.
Theo Báo Hà Nội Mới