“Hôm đầu tiên có điện, vợ chồng tui vui tới nỗi không ngủ được. Tui bàn với ông xã mai mua ngay cái tivi, ổng cười bảo má mày mua đi...” - bà Thạch Chanh kể lại với niềm vui lấp lánh trong đôi mắt.
Đời sống nhiều mặt được cải thiện
Gia đình bà Thạch Chanh (ngụ tại xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) là một trong số hơn một trăm ngàn hộ dân được hưởng lợi từ dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer, tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Theo ông Đặng Văn Dình, Phó GIám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh, nếu như năm 2011, mức bình quân điện năng tiêu thụ chỉ từ 70 KWh/người/năm thì đến nay đã đạt trên 100 KWh/người/năm trong toàn tỉnh. Nhờ có điện, nhiều người dân Khmer đã phát triển nghề xay xát gạo, chăn nuôi bò, heo và nâng cao đời sống, được tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật, trẻ em có điện học hành. “Tất cả thay đổi đó nhờ vào dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại Trà Vinh. Dự án được triển khai từ năm 2011, sau 5 năm thực hiện với 3 giai đoạn, đến nay đã hoàn thành đúng tiến độ, cấp điện ổn định cho gần 35.000 hộ dân, tăng hơn 15.000 hộ so với dự kiến ban đầu, trong đó số hộ đồng bào Khmer có điện tăng từ 80% lên 97,1%” - ông Dình cho biết.
Theo ông Thạch Tuấn - Trưởng ấp Ba Sát, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải - ấp này có 389 hộ dân, với 1.215 nhân khẩu, trong đó hầu hết là người Khmer. Đến nay, trên 99% hộ dân trong ấp đã được sử dụng điện lưới quốc gia. “Trước đây, khi chưa có điện lưới quốc gia, nhiều hộ dân trong ấp sử dụng điện câu đuôi, chất lượng điện áp không bảo đảm nên không thể dùng trong sản xuất, chưa kể giá rất cao. Từ khi dự án cấp điện được thực hiện, đời sống nhân dân trong ấp đã nhiều đổi mới” - ông Tuấn cho hay. Sự đổi thay nói trên cũng diễn ra tương tự tại nhiều xã, huyện thuộc tỉnh Trà Vinh.
Chính sách nhân văn
Trong những năm qua, nhà nước rất chú ý đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực Tây Nam Bộ, chú trọng khu vực đồng bào Khmer sinh sống, thông qua các chương trình 134 và 135, các dự án đầu tư xây dựng của các ngành giao thông, y tế, giáo dục, bưu chính viễn thông và điện lực. Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại 4 tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang là dự án trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ tháng 8-2009 với mục tiêu tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, người dân có điều kiện để mở rộng sản xuất, giải trí và tiếp cận thông tin nhiều hơn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong khu vực. Dự án đã góp phần thúc đẩy thực hiện quy hoạch dân cư ở vùng nông thôn Khmer, tạo điều kiện thuận lợi để có thêm nhiều gia đình Khmer được sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất, phát huy mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả từ các chương trình dự án xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân Khmer.
Ông Ngô Minh Trạng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, đánh giá dự án không chỉ cung cấp điện sinh hoạt nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer mà còn góp phần phục vụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đặc biệt nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo nguyên liệu cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh mỗi năm đạt khoảng 450 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam, ngoài việc đầu tư kéo mới đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp, lắp điện kế treo trụ, các hộ đồng bào Khmer và các hộ chưa có điện trên địa bàn 4 tỉnh trên còn được hỗ trợ 100% chi phí lắp đặt đường dây sau công tơ và hệ thống chiếu sáng trong nhà gồm: bảng điện, dây dẫn và bóng đèn.
“Trong quá trình triển khai dự án, hầu hết các hộ dân được cấp điện đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và đồng tình hiến đất, hiến hoa màu nhằm tạo điều kiện cho việc thi công công trình được thuận lợi. Tất cả điều đó nói lên thành công của một dự án hợp lòng dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng khẳng định.