Các chuyên gia cho rằng sở dĩ giá xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm liên tục trong nhiều năm qua là do nguồn cung trong nước dư thừa, kể cả nhiều nước xuất khẩu khác cũng dư thừa. Đơn cử 2 mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là tôm và cá tra đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Không chỉ bị sức ép về giá cả giảm sâu mà còn bị áp thuế chống bán phá giá.
Cần liên kết
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao ngành hàng được đầu tư tốt, có nhu cầu lớn, xây dựng nhà máy khá tốt, có mạng lưới bán hàng khá ổn định, có thị trường truyền thống... nhưng sao hiệu quả mang lại ngày càng giảm?
Giảm trông thấy nhất là ngành cá. Số liệu cho thấy ngành thủy sản này phát triển ầm ầm nhưng doanh nghiệp nào cũng kêu khó khăn. Ngành tôm còn mang tiếng tôm bơm agar. Hằng năm đều phát triển, doanh nghiệp mọc lên nhiều, họ lao vào xuất khẩu. Cung thừa, cạnh tranh lẫn nhau đẩy giá xuống, thậm chí thời gian qua còn có xu hướng bán chịu dẫn đến tình trạng làm ăn gian dối. Trong khi những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc lại bị lỗ.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Minh Phú, cho rằng ngành tôm không ai lời, sản xuất giống, nuôi, chế biến đều lỗ. Tìm hiểu các nhà sản xuất nuôi tôm, chế biến tôm ở Ấn Độ, Thái Lan cũng bị lỗ. Tại sao? Vì cung lúc nào cũng vượt cầu, tăng 1%-2%/năm. Theo đó, 1% cung tăng sẽ làm giá bán giảm 4%-5%; cung tăng 5%, giá giảm 25%... Vì vậy phải liên kết để cung cấp phù hợp nhu cầu. Nếu cung vượt cầu thì tất cả đều lỗ. Các nhà sản xuất, chế biến ở Thái Lan, Indonesia cùng liên kết lại nếu không chỉ có lỗ, không thể lãi được. Chẳng hạn năm 2014, cung thiếu không đủ hàng đáp ứng nhu cầu, giá được đẩy lên, ai cũng lãi. Vì vậy, các nước xuất khẩu cần liên hiệp để cung và cầu không chênh lệch quá lớn.
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết thực trạng nhiều doanh nghiệp đang bị lỗ, ngập nợ nần là do chúng ta đang sản xuất cung vượt cầu. Cần điều chỉnh cung cầu. Đây là việc rất khó nhưng phải làm...
Ông Ngô Văn Ích cũng cho biết VASEP còn nhiều việc phải làm với ngành thủy sản. Cần xây dựng doanh nhân và doanh nhân văn minh; không thể kinh doanh lỗ với chất lượng xấu mãi được.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP, chuyện nguyên liệu, đánh bắt cũng phải kiểm soát, có hệ thống quản lý nguyên liệu từ khâu đánh bắt, nậu vựa và doanh nghiệp chế biến. Khó khăn của doanh nghiệp chế biến hiện nay xuất phát từ kiểm soát ngoài doanh nghiệp. Nhà nước nên hỗ trợ nhiều hơn bằng những rào cản kỹ thuật.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng đột biến
Theo VASEP, xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 3,15 tỉ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mặt hàng tôm đạt 1,35 tỉ USD, tăng 4,8%, cá tra đạt 790 triệu USD, tăng 5,4%. Các mặt hàng mực, bạch tuộc xuất khẩu 179 triệu USD, giảm gần 10%.
Theo hiệp hội, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm sú (tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái), tôm chân trắng tươi/sống/đông lạnh (tăng 190%) từ Việt Nam. Hai sản phẩm này chiếm tới 97% xuất khẩu tôm sang Trung Quốc. Trung Quốc hiện đã chiếm tới 16% giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trong khi đó nguồn tôm nguyên liệu trong nước lại gặp khó khăn, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Xuất khẩu tôm sang Nhật giảm 9%, Canada giảm 22%, Úc giảm 9%.
Cuối tháng 5 vừa qua, thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc bỏ chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sau khi Tổng thống Barack Obama kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam. Thông tin đã cởi bỏ tâm lý đè nặng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong suốt những tháng đầu năm. Trước đó, áp lực này khiến giá cá tại Mỹ tăng do nguồn cung giảm, cả nhà cung cấp và nhà nhập khẩu đều hoang mang do chương trình quá gấp không có thời gian chuẩn bị.
Do nguồn cung trong nước không ổn định, 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ 75 thị trường phục vụ cho hoạt động chế biến xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu cũng như tạo việc làm ổn định cho người lao động. Tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản là 485 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhập khẩu tôm chiếm 37%, cá ngừ chiếm 17%.