Giá dầu vững trong phiên giao dịch cuối tuần, tính chung cả tuần, giá tăng nhẹ nhưng hoạt động mua giảm mạnh do lo ngại sản lượng của OPEC giảm cũng không giải quyết được vấn đề dư cung.
Tăng, giảm không theo quy luật
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) trên sàn New York tăng 3 cent lên 48,78 USD/thùng, trong khi dầu Brent trên sàn London tăng 2 cent lên 51,76 USD/thùng. Tính chung cả tuần, WTI giảm khoảng 9%, còn Brent giảm khoảng 8%. Giá dầu dường như đang rất khó khăn để lấy lại mức của cách đây chỉ một tuần, khi dầu WTI lên tới 53 USD.
Song song đó, giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên cuối tuần trong bối cảnh USD tiếp tục giảm. Chốt tuần, giá vàng thế giới tăng 0,2%, lên 1.228 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá đã lên 2,1%. Trong tuần, có lúc mỗi ounce vàng chạm 1.233 USD - cao nhất từ ngày 6-3. Việc Mỹ nâng lãi suất đã kéo USD xuống đáy 5 tuần, giúp vàng có tuần tăng đầu tiên sau gần một tháng.
Giữa tuần này, FED đã nâng lãi suất như dự báo. Tuy nhiên, việc cơ quan này giữ nguyên dự báo chỉ nâng lãi 3 lần trong năm nay đã khiến nhiều nhà đầu tư đặt cược vào khả năng có 4 lần nâng đã thất vọng. Sau khi FED nâng lãi suất vào ngày 16-3, đồng USD mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác. Giới phân tích nhận định theo quy luật, khi lãi suất USD tăng sẽ dẫn đến giá trị các tài sản khác cũng tăng và do đó kéo giá vàng giảm xuống. Tuy nhiên, diễn biến thị trường sau khi quyết định của FED được đưa ra lại không theo quy luật này.
Giá đồng, thiếc, sắt thép có tuần tăng mạnh
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá đồng tăng và tính chung cả tuần, tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 2 do USD yếu đi và lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ các mỏ đồng. Thiếc có tuần tăng giá mạnh nhất trong vòng một năm qua. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,4% trong phiên cuối tháng, lên 4.934 USD/tấn, tính chung cả tuần, tăng 3,5%.
Giá sắt và thép tại Trung Quốc giảm trong phiên cuối tuần, nhưng việc giá tăng mạnh gần đây giúp tính chung cả tuần vẫn tăng mạnh nhất trong vòng 2 tháng qua. Thép thanh tại Thượng Hải tuần này đạt mức giá cao nhất 3 năm do kỳ vọng chi tiêu cao cho hạ tầng cơ sở và tiêu thụ bất động sản mạnh ở Trung Quốc (nước tiêu thụ thép hàng đầu thế giới) đẩy giá quặng sắt giao ngay trở lại mức trên 90 USD/tấn lần đầu tiên trong vòng 10 ngày qua. Thép thanh trên sàn Thượng Hải phiên cuối tuần giảm 1,3%, xuống 518 USD/tấn nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng 5%. Quặng sắt trên sàn giao dịch Đại Liên giảm 0,8%, xuống 104 USD/tấn. Phiên trước đó giá lên tới 106 USD, tính chung cả tuần tăng 8,8%. Đây là tuần giá thép thanh và quặng sắt đều tăng nhiều nhất kể từ giữa tháng 1.
Giá đường giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng
Giá đường thô phiên cuối tuần giảm. Đường thô giao tháng 5 giảm 0,08 cent hay 0,4%, xuống 18,17 cent/lb. Trong phiên có lúc giá giảm 4,1%, xuống 17,5 USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6 năm ngoái. Đường trắng giao ngay lại tăng lên 114,76 USD/tấn từ mức 108,17 USD/tấn phiên trước đó.
Thời tiết ở khu vực trồng mía chính của Brazil thuận lợi làm tăng khả năng dư thừa trên thị trường toàn cầu niên vụ 2017-2018. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ kéo dài thời gian điều tra về nhập khẩu đường trước khi ra quyết định về việc áp thuế trừng phạt đối với đường nhập khẩu.
Với cà phê, arabica tăng nhẹ 0,6 cent (0,4%) trong phiên cuối tuần, lên 1,4205 USD/lb, trong khi robusta giao tháng 5 tăng 1 USD hay 0,05%, lên 2.184 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên phiên cuối tuần, ngày 18-3, không đổi so với phiên trước đó, ổn định ở mức 46.200-47.100 đồng. Tính chung cả tuần, giá cà phê nội địa đã tăng lên 400 đồng, mặc dù có một số giao dịch nhưng vẫn khá trầm lắng.