Hiện Thỏa thuận Paris đã được 83 quốc gia phê chuẩn hoặc phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ ngày 4-11-2016.
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của BĐKH, cùng với nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý để phê duyệt Thỏa thuận Paris trong năm 2016, Việt Nam cũng đã tích cực xây dựng kế hoạch đến 2030 nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Diễn đàn đối thoại lần này nhằm trao đổi giữa các thành viên Ủy ban Quốc gia về BĐKH với các đối tác phát triển về những nỗ lực của Việt Nam để thực hiện Thỏa thuận Paris trên cơ sở những thông tin khoa học mới nhất về tác động của BĐKH đến Việt Nam.
Các nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra BĐKH đã diễn ra nhanh hơn so với các dự báo trước đây. Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để ứng phó với BĐKH và thực hiện các yêu cầu do Thỏa thuận Paris quy định. Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp có tính hệ thống về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, tăng cường nguồn lực, minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ ứng phó BĐKH và tăng cường quản lý nhà nước về BĐKH.
Chương trình SP-RCC giai đoạn 2016-2020 sẽ là một trong những phương tiện quan trọng để thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Chương trình SP-RCC đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa các thành tựu đạt được của chương trình giai đoạn 2009-2015, đồng thời gắn chặt các ưu tiên của Việt Nam và những yêu cầu do Thỏa thuận Paris quy định. Thông qua chương trình SP-RCC, các đối tác phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách, tăng cường năng lực, thực hiện các dự án ứng phó với BĐKH. Trong giai đoạn 2009-2015, chương trình đã xây dựng và triển khai thực hiện trên 300 nội dung chính sách, huy động hỗ trợ quốc tế được trên 1 tỉ USD. Giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam với nguồn vốn huy động được thông qua chương trình dự kiến cho năm 2016, 2017 và 2018 là gần 500 triệu USD.