Hàng trăm nữ doanh nhân trong và ngoài nước đã đến dự “Diễn đàn quốc tế phát triển kinh doanh thành công xuyên biên giới”, do Hội Nữ doanh nhân TP HCM (HAWEE) phối hợp với CLB Các doanh nghiệp (DN) dẫn đầu, tổ chức vào chiều 22-3 tại
TP HCM. Những câu chuyện về kinh nghiệm làm ăn với nước ngoài chia sẻ tại diễn đàn rất bổ ích cho các “nữ tướng”.
Kiên trì mới thành công
Đã có không ít DN Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo gặt hái được nhiều thành công trên thương trường quốc tế. Thậm chí nhiều DN đã trụ vững ở thị trường nước ngoài, mở văn phòng đại diện, nhà máy tại nhiều quốc gia. Bằng chính kinh nghiệm của mình, các chị đã kể những câu chuyện lý thú về việc “mang chuông đi đánh xứ người”.
Với PGS-TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn KOVA, những yếu tố thành công trên thương trường được đúc kết là: Nghiên cứu không ngừng, khôn khéo, dám liều, kiên trì và trách nhiệm xã hội. Trong đó, kiên trì là đức tính vốn có của phụ nữ và cũng là yếu tố tiên quyết. Bà Hòe kể: “Cách đây 20 năm, tôi rất liều vì hành trang đến Mỹ để tìm thị trường bán sơn khi trong túi chỉ có 500 USD và mì ăn liền. Trong 2 tháng ở Mỹ, tôi không có tiền thuê chỗ trọ, phải ngủ nhờ ở sân bay. Tôi kiên trì thuyết phục người Mỹ mua sơn của Việt Nam. Sự kiên trì của tôi đã thuyết phục họ và nhờ vậy, sản phẩm sơn KOVA được thị trường khó tính này chấp nhận”.
Cũng theo PGS Hòe, đừng bao giờ thỏa mãn khi xâm nhập được thị trường quốc tế. Muốn đứng vững, cạnh tranh được phải không ngừng đổi mới, cải tiến công nghệ, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. “Tôi đã mày mò nghiên cứu để tạo ra sản phẩm Sơn KOVA độc đáo, làm từ... vỏ trấu, có khả năng chống đạn, chống cháy, chống rỉ và kháng khuẩn. Người Mỹ rất khó tính nhưng chúng tôi thuyết phục được họ bằng loại sơn khác biệt này” - bà Hòe chia sẻ.
Nói thêm về cách xây dựng thương hiệu DN, “nữ tướng” Nguyễn Thị Hòe đã tạo ra nhiều cảm hứng cho các nữ doanh nhân khi cho biết bà vẫn không ngừng học hỏi, nghiên cứu dù tuổi gần 70. Bà thổ lộ: “Với lương phó giáo sư cũng đủ nuôi sống tôi đến hết đời nhưng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để cho ra sản phẩm mới, mở rộng nhà máy ra nước ngoài, phát triển thị trường”.
Đề cao trách nhiệm cộng đồng
Thành công của bất kỳ tập đoàn đa quốc gia nào cũng đều gắn liền với trách nhiệm cộng đồng. Trách nhiệm cộng đồng là nền tảng của văn hóa DN mà chỉ khi có được điều này thì DN mới tham gia vào các chuỗi giá trị liên kết toàn cầu. Đã có nhiều tập đoàn, DN lớn trên thế giới trả giá đắt do thiếu trách nhiệm với cộng đồng, dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật như gây ô nhiễm môi trường, bóc lột sức lao động...
Do vậy, tại diễn đàn, các diễn giả đã đúc kết trách nhiệm cộng đồng chính là nền móng giúp DN phát triển bền vững. “Lợi nhuận từ kinh doanh, tôi dành hàng tỉ đồng cho Quỹ Học bổng KOVA để trao cho các sinh viên nghèo hiếu học... Mục đích là tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Đó là trách nhiệm của DN” - bà Hòe nhấn mạnh.
Bà Cait Moran, Đại sứ Ireland tại Việt Nam, cho rằng trách nhiệm cộng đồng, xã hội không chỉ làm nên tên tuổi cho DN mà đó là một trong những yếu tố giúp DN phát triển bền vững. Bà Cait Moran cho biết thêm bà rất ấn tượng với sự năng động của phụ nữ Việt Nam, nhất là các nữ doanh nhân. “Tôi biết ngoài việc kinh doanh, nhiều nữ doanh nhân Việt còn quan tâm đến cộng đồng xã hội thông qua các hoạt động từ thiện, tạo cơ hội tốt cho người lao động” - bà Cait Moran nhận xét.
Còn nhiều những chia sẻ, hiến kế cho nữ doanh nhân trước áp lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế toàn cầu. Bà Nguyễn Phi Vân, sáng lập viên Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, cho rằng làm ăn với các nước, quan hệ với các đối tác đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau buộc chúng ta phải hiểu mình, hiểu người, tạo sự thông cảm với đối tác, chân thành, giúp cho mối quan hệ với đối tác bền vững. Phụ nữ cũng có nhiều bất lợi trong kinh doanh nhưng cũng có nhiều lợi thế với quyền lực “mềm”, chịu đựng, nhẫn nại, kiên trì... Đó là những yếu tố tạo nên sự thành công cho DN nữ.
Còn theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư L&A, cần có kỹ năng và nội lực mới bước ra thế giới. “Đối với những DN trẻ, họ thường muốn làm mới mình bằng những sáng kiến và việc làm mới lạ. Điều đó chưa chắc đã thành công, đôi khi lại thất bại. Theo kinh nghiệm của tôi, đổi mới sáng tạo bằng công nghệ, chúng ta cần dựa trên nền tảng cũ và cải tiến, nâng cấp thì dễ thành công hơn” - bà Lệ đúc kết.
Phải phát huy nội lực
Đến dự và phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế. DN Việt Nam, trong đó có 25% DN do nữ làm chủ, đã và đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lực cạnh tranh. Do đó, để đứng vững, hội nhập thành công, DN Việt Nam nói chung và DN do phụ nữ làm chủ nói riêng cần phải phát huy nội lực, thích ứng với những thay đổi và tận dụng tốt mọi cơ hội.