Đây là chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tại hội thảo về bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp (DN) 2017, do Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM) vừa tổ chức tại TP HCM.
Niềm tin trở lại
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý I/2017, cả nước có 26.478 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 271.200 tỉ đồng, tăng 11,4% về số DN và 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm còn có hơn 9.271 DN quay trở lại hoạt động. Năm ngoái, lần đầu tiên cả nước cũng có hơn 100.000 DN đăng ký thành lập mới.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh cho thấy niềm tin của cộng đồng DN đang trở lại, đây là điều rất quan trọng. Cơ hội của các DN trong năm nay là khá lớn khi nền kinh tế thế giới có xu hướng tiếp tục phục hồi và sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Xu hướng hình thành quốc gia khởi nghiệp đang bắt đầu cũng là tín hiệu tích cực. Có điều, thống kê của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu cho thấy Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao nhất nhưng cũng nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng quản trị... thấp nhất nên cần phải thay đổi, nâng cấp mình lên.
Ông Lộc cho biết: “DN phải nâng cao trình độ quản trị mới tạo ra năng lực cạnh tranh mới, động lực cho phát triển. Nhiều DN trước nay chỉ hoạt động dựa vào xin - cho, khai thác tài nguyên... nên công tác quản trị không được chú trọng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, quản trị cần được DN nâng cao thích ứng với sự thay đổi”.
“Những xu thế nổi trội ở Việt Nam như quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đang là tín hiệu đáng mừng với cộng đồng DN và được giới chuyên gia nước ngoài đánh giá cao” - TS Vũ Minh Khương, chuyên gia kinh tế đến từ ĐH Quốc gia Singapore, nhận xét. Đồng thời, việc nhà nước coi trọng kinh tế thị trường, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo và thúc đẩy khởi nghiệp... cũng là những bước chuyển biến rất lớn hỗ trợ cộng đồng DN phát triển.
Cần nhiều “sếu đầu đàn”
Hiện cả nước có nửa triệu DN đang hoạt động nhưng theo các chuyên gia, cộng đồng DN Việt Nam thời gian qua “đông nhưng chưa mạnh”, chỉ có một vài “con sếu” đầu đàn là quá ít và Việt Nam cần nhiều “con sếu” hơn để phát triển trong hội nhập. Các chính sách của nhà nước thúc đẩy DN thành lập mới nhưng đồng thời cần “nâng cấp” cả những DN đang hoạt động mới đáp ứng được yêu cầu hội nhập, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành phân tích: Nhiều DN Việt “to nhưng chưa mạnh”, chỉ là to về vốn, nhà máy, về số lượng lao động nhưng vẫn còn nhỏ bé trong đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), xây dựng thương hiệu toàn cầu, có chuỗi phân phối ở các quốc gia... Để thay đổi điều này, người đứng đầu DN cần có tầm nhìn và chiến lược nhằm thực hiện tầm nhìn một cách hiệu quả, trong đó quan trọng là cách thức tiếp cận và sử dụng nguồn vốn, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng...
Về cơ hội làm ăn trong năm nay, TS Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam hiện đã có 16 hiệp định thương mại tự do với các nước, trong đó có những thị trường lớn của thế giới nên đang trở thành trung tâm kết nối với cả thế giới, là cơ hội rất lớn cho DN. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường biến động và có nhiều yếu tố bất định như hiện nay, DN cần biết cách quản trị sự bất định - quản trị rủi ro bằng cách đồng hành với chính sách của Chính phủ và khi có các “cơn chấn động” từ bên ngoài thì cần thích ứng nhanh để cải tổ, thay đổi cho phù hợp.