Một khảo sát về lĩnh vực đầu tư vừa được hãng kiểm toán, tư vấn dịch vụ thuế Grant Thornton công bố cho thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Gần 11 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm
Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-4, cả nước có 734 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,88 tỉ USD, đồng thời có 345 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,36 tỉ USD, tăng 241,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có tới 1.687 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,35 tỉ USD, tăng 106,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,95 tỉ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ lệ nhiều nhất với tổng vốn 7,36 tỉ USD. Một số dự án tiêu biểu trong những tháng đầu năm trị giá hàng tỉ USD tiếp tục được rót vào Việt Nam như dự án Samsung Display Việt Nam (thuộc Tập đoàn Samsung) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỉ USD; dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỉ USD do nhà đầu tư Nhật liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí; dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam điều chỉnh tăng vốn thêm 319,8 triệu USD...
AEON đã tham gia vào thị trường Việt Nam Ảnh: Vũ Phương
Xu hướng đầu tư vào Việt Nam tiếp tục được đánh giá khả quan khi có 87% ý kiến được hỏi cho rằng các hoạt động đầu tư ở Việt Nam sẽ tăng đáng kể trong vòng 12 tháng tới. Năm ngoái, Việt Nam thu hút vốn FDI đạt 15,8 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, là mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Triển vọng đầu tư tích cực đã đạt được nhờ các hiệp định thương mại tự do với các nước, trong đó có Hàn Quốc, Nhật, EU và Nga hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN...
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Khảo sát cũng cho thấy so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có mức độ hấp dẫn đầu tư cao thứ 2, chỉ sau Myanmar. Nhà đầu tư đánh giá Myanmar ở vị trí cao nhất trong khu vực với tiềm năng đến từ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, lĩnh vực cơ sở hạ tầng đang là trọng điểm, cùng luật đầu tư mới với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong các ngành đầu tư, thực phẩm và đồ uống cùng ngành bán lẻ tiếp tục giữ vị trí 2 ngành hấp dẫn hàng đầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Bên cạnh sự phát triển của thương mại điện tử, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, kênh phân phối, văn hóa và thói quen mua sắm của khách hàng đang phát triển nhanh chóng giúp lĩnh vực này sôi động. Hàng loạt “ông trùm” trong lĩnh vực bán lẻ quốc tế như Emart, AEON, Big C, Lotte và 7-Eleven đã tham gia vào thị trường Việt Nam qua các hợp đồng nhượng quyền.
Cần nâng cao tính minh bạch
Dù được đánh giá có môi trường đầu tư hấp dẫn nhưng khảo sát lĩnh vực đầu tư tư nhân cho thấy vẫn còn trở ngại khi đầu tư vào Việt Nam, trong đó nhà đầu tư lo ngại về tham nhũng, cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính. Các yếu tố nhà đầu tư tư nhân cân nhắc khi rót vốn vào Việt Nam gồm “lịch sử và dự báo tăng trưởng”, “minh bạch trong hoạt động”... Trong đó, minh bạch trong hoạt động là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất. Ngược lại, quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch là hai nỗi quan ngại lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam, khi môi trường kinh doanh ở Việt Nam bị cho là có tính minh bạch thấp. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo cần có biện pháp cấp bách cải thiện các vấn đề này để giúp nhà đầu tư vững tin khi thực hiện những thương vụ kinh doanh ở Việt Nam.