Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) vừa có văn bản trình UBND TP HCM, kiến nghị về việc điều chỉnh quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh - TP HCM). Các đề xuất của WVS nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc xử lý rác, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị cho khu liên hợp này.
Mô hình Dự án nhà máy đốt rác để sản xuất năng lượng sạch tại Khu Liên hợp Đa Phước
Xây dựng nhà máy đốt rác
Ông David Dương - Tổng Giám đốc VWS, chủ đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước - cho biết thời gian qua, ông đã đưa các đoàn chuyên gia độc lập về môi trường của Mỹ sang kiểm tra và đánh giá tất cả các thiết bị và công thức thực hiện khử mùi tại khu liên hợp. Các chuyên gia này điều chỉnh thiết kế, bổ sung thiết bị mới và những công thức cần thay đổi để khống chế mùi hôi, đặc biệt là nơi đang tiếp nhận rác và hồ điều tiết nước rỉ rác nhằm bảo đảm môi trường tốt hơn cho người dân đang sống trong vành đai xanh cách ly, cũng như các quận huyện lân cận.
Trên cơ sở đó, VWS đề xuất đầu tư nhà máy đốt rác với công suất dự kiến 1500 tấn rác/ngày. Ông David Dương khẳng định với nhà máy này giúp giảm bớt khối lượng rác chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, mà không cần chờ chương trình phân loại rác tại nguồn của thành phố.
Theo đề xuất, VWS dự kiến đầu tư nhà máy đốt rác có công suất 1.500 tấn rác/ ngày nằm trong khuôn viên Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Đáng chú ý, với công nghệ tiên tiến, nhà máy sẽ dùng rác hỗn hợp, với nhiều tạp chất và chưa phân loại để đốt, sản xuất các sản phẩm: điện, khí CNG, phân compost, phân hữu cơ lỏng.
Hiên nay, đội ngũ kỹ sư, công nhân đang khẩn trương thi công các giếng đào để thu gom khí gas từ khu chôn lấp về nhà máy điện đang được lắp đặt trong khu liên hợp để sản xuất điện năng và khí nén thiên nhiên CNG (Compress Natural Gas), phục vụ cho các phương tiện vận chuyển rác không xả khói gây ô nhiễm môi trường. Theo thiết kế, nhà máy phát điện bằng khí gas từ bãi chôn lấp đạt đến công suất 12 MW. Ngoài ra, rác hữu cơ sẽ được phân loại để đưa vào sản xuất phân compost. Lượng nước rỉ rác phát sinh trong quá trình chôn lấp được sản xuất thành phân hữu cơ lỏng…
Trong quá trình xử lý rác bằng công nghệ đốt, còn khoảng 10% loại rác không thể đốt được sẽ đưa đi chôn lấp. Tổng vốn đầu tư của dự án đốt rác là 275 triệu USD.
Làm sân tập golf, công trình thể thao
Theo quy hoạch, những hộ dân sống trong khu vực vành đai cách ly của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước lẽ ra đã di dời từ 10 năm trước để phục vụ trồng cây xanh nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo chủ trương của UBND TP HCM, sau năm 2020, TP HCM sẽ đóng cửa tất cả các bãi chôn lấp rác trên địa bàn. Do đó, hiện nay việc triển khai trồng vành đai xanh cách ly tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước sẽ không còn phù hợp nữa.
Do vậy, cùng với đề xuất xây dựng thêm nhà máy đốt rác, VWS cũng trình lên phương án xây dựng các công trình thể thao phức hợp khi bãi rác đóng cửa.
Cụ thể, trong đề xuất thay đổi quy hoạch của Khu Liên hợp Đa Phước, VWS sẽ đầu tư thêm các trạm trung chuyển rác ngay trong khu liên hợp, để vận chuyển rác từ đây đi Khu Công nghệ môi trường xanh Long An bằng sà lan khép kín chuyên dụng. Đồng thời, VWS thiết kế lại toàn bộ các ô chôn lấp rác trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước thành một khu thể thao phức hợp: Sân tập golf, sân tennis, công viên sinh thái…nhằm phục vụ người dân trong khu vực sau năm 2020.
Theo ông David Dương, các đề xuất trên đã được tính toán kỹ và nếu được lãnh đạo TP chấp thuận, WVS sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả hướng đến mục tiêu nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc xử lý rác, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị cho khu liên hợp này nói riêng và TP HCM nói chung.