Ông Jens Ruebbert, Chủ tịch EuroCham, cho rằng: Mức giảm 7 bậc của BCI trong tổng số điểm này không thể khẳng định rằng doanh nghiệp (DN) thành viên của chúng tôi đang mất lòng tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ngược lại, điều này thể hiện mong muốn mạnh mẽ của các nhà đầu tư về tính cạnh tranh, minh bạch, bền vững và lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn. Cơ hội kinh doanh tốt không còn đủ hấp dẫn cộng đồng DN EuroCham và đây có thể là một dấu hiệu tốt.
Lạm phát đã không còn là mối quan ngại lớn
Phản hồi của các DN tham gia khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh BCI tại TP HCM cho thấy 67% phản hồi tình hình kinh doanh hiện tại là "rất tốt" và "tốt", giảm khoảng 5% so với quý trước. Trong khi số lượng phản hồi "không tốt" và "rất tệ" (trước đây hầu như rất thấp) lần lượt là 9% và 3%.
Về triển vọng kinh doanh, số lượng phản hồi tích cực đã giảm nhẹ (9% phản hồi "rất tốt" và 60% phản hồi lạc quan ở mức độ vừa phải). Mặc dù số lượng phản hồi "trung lập" vẫn giữ ở mức tương đương trong quý này, số lượng phản hồi dự đoán triển vọng "không tốt" đã tăng từ 0% lên 7% và "rất tệ" tăng từ 2% lên 4%.
Số lượng phản hồi từ thành viên của EuroCham thể hiện sự tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế vĩ mô "ổn định và liên tục cải thiện" cũng giảm khoảng 10% so với quý trước. Ngược lại, lượng phản hồi dự đoán kết cấu kinh tế vĩ mô thậm chí có thể xấu đi đã tăng lên 18% (quý IV/2016 là 11%). Số lượng phản hồi "không thay đổi" trong quý tiếp theo vẫn xấp xỉ mức 40%... Đặc biệt, lạm phát đã không còn là mối quan ngại lớn cho các thành viên của EuroCham. 77% DN phản hồi tin rằng lạm phát sẽ "không ảnh hưởng" (17%) hoặc "ảnh hưởng không đáng kể" (60%, chiếm đa số phản hồi). Trong khi gần 1/4 số phản hồi tin rằng lạm phát có thể có "tác động đáng kể" (23%, tăng nhẹ từ quý IV/2016).
Không có DN nào phản hồi rằng lạm phát có thể đe dọa hoạt động kinh doanh của họ (0%).
Về tiến trình cải thiện môi trường pháp lý của Việt Nam, các phản hồi nói chung là cân bằng: 2% phản hồi "Cải thiện đáng kể", 21% "Cải thiện đôi chút", 40% "Không thay đổi", 18% "Có phần phức tạp hơn", 14% "Phức tạp hơn nhiều" và 4% "Không rõ".
Lạm phát không còn là mối quan ngại của các thành viên EuroCham Ảnh: Phương Danh
Vẫn dự định tăng đầu tư
Về kế hoạch phát triển sắp tới, 42% DN phản hồi cho rằng có ý định duy trì mức đầu tư hiện tại, tăng 2% so với quý IV/2016. Số DN phản hồi dự định tăng đầu tư vẫn còn rất lớn, trong đó, số lượng phản hồi "Tăng mạnh" tăng 4% so với quý trước và số lượng phản hồi "Tăng nhẹ" giảm 6% so với quý trước.
Số DN dự kiến duy trì lực lượng lao động ở mức hiện tại là khoảng 40%. Các phản hồi theo hướng giảm số lượng nhân viên chỉ tăng rất ít: "Giảm nhẹ" từ 7% lên 10%; và "Giảm mạnh" từ 0% đến 1%.
Khảo sát BCI cũng đề cập ảnh hưởng của tham nhũng đối với hoạt động kinh doanh của DN. Nếu như trước đây, phản hồi này khá gay gắt thì nay phần lớn phản hồi trung lập: 2% cho rằng "Giảm đáng kể", 10% "Giảm nhẹ", 46% "Không thay đổi", 15% "Phần nào phức tạp hơn", 11% "Phức tạp hơn nhiều" cuối cùng là 15% "Không rõ".
Ông Jens Ruebbert nhận xét: "Kết quả khảo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) cho quý I/2017 tiếp tục cho thấy những kỳ vọng tích cực từ các thành viên của EuroCham đối với Việt Nam nhưng không phải ở mức độ lạc quan như năm ngoái. Điều này không có nghĩa là các DN đang trong tình trạng báo động hoặc sẽ không tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế có tiềm năng như Việt Nam... Trái lại, EuroCham tin rằng các tiêu chuẩn đánh giá đã tăng lên và các DN mới đến từ châu Âu sẽ tiếp tục xem trọng hơn nữa các vấn đề liên quan đến sự thuận lợi trong kinh doanh và cạnh tranh. Đây cũng chính là các chủ đề mà EuroCham đã liên tục đối thoại với Chính phủ và là nỗ lực chúng tôi nhằm góp phần làm cho đất nước này sẵn sàng tận dụng tối đa tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể đưa ra vào năm 2018".