Trước đó, vấn đề này được điều chỉnh bởi Thông tư 66/2010 nhưng kết quả thực hiện không cao.
5.000 doanh nghiệp kê khai hoạt động chuyển giá
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Thanh tra Tổng cục Thuế, cho biết hiện nay tại Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đang kê khai giao dịch liên kết. "Thời gian qua có hiện tượng một số tập đoàn đa quốc gia kinh doanh tại Việt Nam dù báo cáo thua lỗ kéo dài nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; có hiện tượng tránh thuế, chuyển giá" - bà Lan Anh khẳng định.
Theo Tổng cục Thuế, từ năm 2010-2015, Thanh tra Tổng cục Thuế đã thanh tra và thực hiện điều chỉnh giá thị trường đối với 130 DN, từ đó ra các quyết định giảm lỗ khoảng 2.962 tỉ đồng; tăng thu nhập chịu thuế khoảng 3.430 tỉ đồng...
Để ngăn chặn tình trạng chuyển giá tránh thuế, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế và thực trạng kinh tế Việt Nam thay cho Thông tư 66 áp dụng từ năm 2010 đã lạc hậu. Vì vậy, để tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã khảo sát và chọn lọc kỹ tư vấn của các chuyên gia nước ngoài nhằm đạt được hiệu quả thực thi.
Theo Nghị định 20, DN phải nộp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo 3 cấp độ: hồ sơ toàn cầu, hồ sơ quốc gia và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Trong đó, loại hồ sơ thứ 3 chỉ được áp dụng đối với công ty mẹ tối cao mà trụ sở chính tại Việt Nam có ngưỡng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỉ đồng (tương ứng với mức 750 triệu euro như thông lệ thế giới đang áp dụng).
Việt Nam đang bị thất thu do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia Ảnh: Internet
Nhắm vào tập đoàn lớn
Đáng lưu ý là hiện nay chỉ có một số quốc gia yêu cầu DN có giao dịch liên kết phải nộp loại hồ sơ thứ 3 cho cơ quan thuế, tức là yêu cầu về quản lý giao dịch liên kết tại Việt Nam còn thực thi ở mức cao hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước đó, Oxfam đã công bố các báo cáo nghiên cứu về hệ thống thuế toàn cầu. Trong đó chỉ ra rằng các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam, mỗi năm đang bị thất thu 100 tỉ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Nguyên nhân do tồn tại những lỗ hổng trong pháp luật thuế hiện hành, tạo điều kiện để nhiều DN lợi dụng trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thông qua hình thức chuyển giá hoặc gian lận thuế. Theo khuyến cáo của Oxfam, cách thức tránh thuế phổ biến nhất được các tập đoàn đa quốc gia sử dụng là mở các chi nhánh tại ít nhất một thiên đường thuế và Việt Nam không phải trường hợp ngoại lệ khi là một trong những địa chỉ thu hút đầu tư rất hấp dẫn trong thời gian qua. Để lấp các lỗ hổng trong chính sách thuế, bên cạnh việc rà soát và tập trung tất cả các chính sách ưu đãi thuế nhằm tránh trùng lặp, dàn trải, manh mún, Chính phủ cần yêu cầu tất cả tập đoàn đa quốc gia công bố báo cáo liên quốc gia với thông tin riêng cho từng quốc gia mà tập đoàn có hoạt động.
Cùng với việc thực thi chính sách mới, Tổng cục Thuế vẫn tiếp tục có kế hoạch thanh tra rủi ro về thuế đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao, điển hình là thua lỗ nhiều năm hoặc thua lỗ mà vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết việc thanh tra chuyên ngành sẽ được thông báo trước và có sự phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thanh, kiểm tra không chồng chéo, làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN.