Trong tháng đầu tiên của năm 2017, Chính phủ ban hành cùng lúc 2 nghị định mở cửa cho ngành nghề kinh doanh vốn được coi là nhạy cảm, gồm kinh doanh sòng bài (casino) và kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế.
Không khuyến khích phát triển
Đây là 2 lĩnh vực đã được Việt Nam xem xét, học hỏi kinh nghiệm quốc tế xây dựng hành lang pháp lý để quản lý hoạt động từ cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay mới đủ điều kiện ban hành. Đồng thời được xác định là lĩnh vực không khuyến khích phát triển. Do đó, nghị định đã đưa ra những yêu cầu chặt chẽ đối với cả nhà đầu tư và người chơi tham gia lĩnh vực này.
Đối với người chơi, người Việt được thí điểm vào casino nhưng phải đủ 21 tuổi trở lên, có thu nhập ít nhất 10 triệu đồng/tháng, vé vào cửa mỗi lần là 1 triệu đồng. Còn quy định đối với người tham gia đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế, vé chơi chỉ 10.000 đồng/lần đặt cược nhưng mỗi ngày không được chơi quá 1 triệu đồng.
Đối với nhà đầu tư, nghị định cho phép chỉ có 1 doanh nghiệp là công ty cổ phần được tham gia cá cược bóng đá quốc tế trong vòng 5 năm để tổng kết, rút kinh nghiệm. Còn kinh doanh sòng bài chỉ được cấp phép nếu đặt trong khu phức hợp giải trí, du lịch có vốn đầu tư tối thiểu 2 tỉ USD và phải giải ngân ít nhất 50% vốn đã đăng ký. Việc thí điểm cho người Việt vào casino cũng chỉ được thực hiện tại một số casino được Chính phủ cho phép.
Một số quy định điều kiện kinh doanh được giới chuyên môn đánh giá là khá cởi mở so với tư tưởng đặt ra ban đầu về hoạt động kinh doanh casino, đặt cược là Việt Nam đã chấp thuận cho người Việt vào chơi tại casino và cho phép đặt cược đua chó, đua ngựa ở ngoài trường đua thông qua mua vé tại các điểm bán qua thiết bị đầu cuối.
Sẽ là ngành công nghiệp giải trí mới
GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia quốc tế về kinh doanh casino, cho biết các quy định nói trên thực sự đã cởi trói cho giới đầu tư sau nhiều năm đeo đuổi các dự án casino ở Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ đã cấp phép cho các dự án casino Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) quy mô 2 tỉ USD, dự án Nam Hội An quy mô 4 tỉ USD, dự án Vân Đồn quy mô 7 tỉ USD và Phú Quốc. Bên cạnh đó còn các casino quy mô nhỏ đã được cấp phép từ trước như Lợi Lai, Hồng Vận (Quảng Ninh) và các casino ở Lào Cai, Đồ Sơn (Hải Phòng), Bắc Ninh. Các casino nhỏ nói trên sau này sẽ được nâng cấp ở quy mô lớn để đưa vào quản lý theo quy hoạch. “Trước đây cho kinh doanh sòng bài ở quy mô nhỏ nên thuần túy chỉ là cờ bạc thì không nên. Nay kinh doanh sòng bài phải được đặt ở khu phức hợp, du lịch, văn hóa, thể thao là phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng quốc tế. Theo kinh nghiệm quốc tế, đây sẽ là ngành công nghiệp giải trí mới có nhiều tiềm năng, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách của địa phương” - GS Hà Tôn Vinh bình luận.
Cũng như kinh doanh sòng bài, kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế cũng được các nhà đầu tư ngóng đợi từ lâu. Mười năm trước, doanh nghiệp Hàn GOMAX I&D đã đặt vấn đề mở trường đua trị giá 570 triệu USD tại Vĩnh Phúc nhưng không được chấp thuận vì chưa có hành lang pháp lý. Năm 2016, nhận thấy khả năng Chính phủ sẽ hợp pháp hóa kinh doanh đặt cược, nhà đầu tư đã quyết định ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Vĩnh Phúc, quy mô lên tới 1,5 tỉ USD. Ngoài ra còn có nhiều nhà đầu tư đã “xếp gạch” từ trước như Global Consultant Network hợp tác với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội tại dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf tiêu chuẩn 5 sao vốn đầu tư 500 triệu USD tại Hà Nội; hay Công ty Golden Turf Club Pty Ltd với dự án 100 triệu USD ở Phú Yên; Tập đoàn Matrix Holdings Limited (Hồng Kông) có kế hoạch đầu tư một trường đua ngựa ở Đà Nẵng…