Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN đã ký kết FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Với vị trí chiến lược tại trung tâm khu vực ASEAN cho phép các công ty đang hoạt động tại Việt Nam hội nhập dễ dàng hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Hệ thống cảng biển tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa thuận tiện đến bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, cho biết Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI trong 10 năm qua và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai. Chỉ số tăng trưởng khá ấn tượng ở mức 6% trong giai đoạn nền kinh tế thế giới gặp khó khăn (2011-2015), cùng với việc tham gia vào các FTA quan trọng (TPP, AFTA, EVFTA…), Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 10 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng 13,9% hằng năm. Có 2.586 chủng loại thuế đã được loại bỏ sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực vào tháng 10-2009, chiếm 28% của tổng số 9.390 dòng thuế cam kết. Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á và đang là một trong số những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thế giới nhờ lợi thế của chi phí lao động, ưu đãi về thuế và vị trí thuận lợi trong chuỗi cung ứng.
Theo ông Takimoto Koji, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO Văn phòng TP HCM), hiện tại, tỉ lệ cung ứng nội địa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 32%, so với ở Thái Lan là 56%, Trung Quốc là 65% thì tỉ lệ này vẫn còn rất thấp. Bối cảnh hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2018, bãi bỏ thuế quan của Việt Nam đang đặt việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất thành một nhiệm vụ cấp bách. Cần nâng cao hơn nữa tỉ lệ cung ứng nội địa, đây là mấu chốt quan trọng.