Thực tế, đa phần người lao động Việt chưa có những biện pháp bảo vệ mình và gia đình.
Người lao động đang thiếu lá chắn bảo vệ
“10 năm nay, nỗi đau từ vụ tai nạn lao động (TNLĐ) luôn ám ảnh tôi. Giá như tôi còn khỏe mạnh thì vợ con tôi bây giờ chắc sẽ không khổ thế này” - anh Phạm Văn T. (ngụ huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) chia sẻ với báo chí vào đầu tháng 3-2016. TNLĐ đã khiến cuộc sống của anh và gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Biến cố xảy đến cách đây 10 năm trước, khi anh gặp tai nạn trong quá trình làm nhiệm vụ và bị dập gan, lá lách. Hậu quả là sau thời gian chữa trị, vì vết thương quá nặng, anh nghỉ chế độ một lần với tỉ lệ mất sức lao động 61%.
Trường hợp của anh T. chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện thương tâm về những gia đình lâm vào cảnh khốn khó, lao đao khi người lao động, trụ cột chính trong gia đình gặp TNLĐ, dẫn đến tử vong hoặc mất khả năng làm việc.
Những năm gần đây, tình hình TNLĐ gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng khiến người lao động nói riêng và gia đình họ không thể yên tâm. Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chỉ riêng năm 2015, toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ TNLĐ làm 7.785 người bị nạn. Số vụ TNLĐ chết người là 629 vụ, làm 666 người chết. Số người bị thương nặng do TNLĐ là 1.704 người.
Ngoài những rủi ro về TNLĐ, người lao động còn là đối tượng chính phải đối diện với các rủi ro khác liên quan đến tai nạn giao thông cũng như có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh hiểm nghèo do áp lực về công việc và ảnh hưởng từ môi trường làm việc độc hại.
Hệ quả từ những rủi ro đối với người lao động là rất rõ ràng, không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, tính mạng và sức khỏe mà gia đình của họ cũng gặp khốn khó, thậm chí lâm vào tình cảnh đói nghèo. Những khoản hỗ trợ, bồi thường khi xảy ra các vụ việc quá ít ỏi không thể bù đắp được những mất mát và bấp bênh trong cuộc sống mà nhiều gia đình phải đối diện.
Cần những giải pháp dự phòng rủi ro
Các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn lao động hiện nay đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp vi phạm công tác an toàn vệ sinh lao động còn chưa triệt để dẫn đến tình trạng còn nhiều người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, vì vậy nguy cơ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp vẫn rất cao.
Theo kết quả điều tra “bồi thường TNLĐ từ người sử dụng lao động” do Cục An toàn lao động thực hiện cho thấy: bình quân mỗi vụ chết người được đền bù khoảng 30-32,5 triệu đồng, đối với lao động bị thương được đến bù 5,7-6,6 triệu đồng. Đây là số tiền không thấm vào đâu khi người lao động gặp rủi ro.
Nhiều rủi ro với người lao động là vậy nhưng vấn đề đặt ra là: các gia đình Việt hầu như chưa có giải pháp phù hợp để bảo vệ những người trụ cột trong gia đình. Điều này trái ngược với tư duy tại các quốc gia phát triển, khi mà tất cả những thành viên được cho là trụ cột trong gia đình đều trích ra một khoản tiền nhất định để dự phòng lúc rủi ro xảy ra. Tại những quốc gia phát triển như Mỹ, các nước châu Âu... những lao động chính thường có ít nhất một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ ở các nước này thường chiếm khoảng 90% dân số. Trong khi đó, con số này tại Việt Nam đang dừng ở mức 8%.
Một trong những rào cản về mặt nhận thức dẫn đến việc không tiết kiệm và dự phòng rủi ro của người lao động là họ nghĩ rằng mình chưa có nhiều khoản tiền dư giả để mua bảo hiểm và bảo hiểm chỉ dành cho những người khá giả. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhận thức này là sai lầm. Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết với 350 gói sản phẩm và nhiều mức phí khác nhau, người lao động hoàn toàn có thể lựa chọn được những sản phẩm phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Việc tích lũy một cách có kỷ luật thông qua bảo hiểm nhân thọ là thói quen cần được duy trì, bởi: “Trong những trường hợp không may công nhân, người dân bị TNLĐ hay bị tai nạn giao thông chẳng hạn, nếu trước đó họ có mua bảo hiểm thì họ sẽ có cơ hội được thanh toán, hay đền bù phần nào rủi ro mình gặp phải và con em họ lúc đó cũng nhẹ bớt phần nào gánh nặng” - chuyên gia này nhấn mạnh. Thiết nghĩ đã đến lúc, người Việt cần thay đổi tư duy dự phòng rủi ro và có các giải pháp để bảo vệ cho những trụ cột chính của gia đình.