Theo các ngân hàng (NH) thương mại, để thúc đẩy thanh toán qua thẻ ATM cần nhiều chính sách khuyến khích người tiêu dùng, đơn vị chấp nhận thanh toán qua thẻ và chính sách đồng bộ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực như giao thông, chi tiêu công…
Đã có hơn 100 triệu thẻ ngân hàng các loại
Số liệu được Hội Thẻ NH Việt Nam công bố mới đây cho thấy hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ NH các loại. Trong đó có khoảng 92,08 triệu thẻ ATM và hơn 12 triệu thẻ quốc tế, còn lại là các loại thẻ khác.
Đại diện Hội Thẻ NH Việt Nam cho biết năm 2016, thị trường thẻ Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng, góp phần thúc đẩy hoạt động của các NH thương mại phát triển và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và NH Nhà nước. Doanh số sử dụng thẻ ATM tăng theo từng năm, chiếm 89% tỉ trọng doanh số sử dụng của tất cả các thẻ nhưng thẻ ATM hiện nay chủ yếu dùng để rút tiền mặt. Dù đã có sự tăng trưởng trong việc sử dụng thẻ để chi tiêu ở các đơn vị chấp nhận thẻ nhưng có tới 86,8% tổng doanh số sử dụng thẻ ATM là rút tiền mặt.
Hiện cả nước có khoảng 17.300 máy ATM và hơn 270.000 máy POS. Nhưng các giao dịch qua máy ATM cũng chủ yếu rút tiền mặt và doanh số rút tiền mặt qua ATM vẫn tăng qua các năm (từ 60 tỉ đồng năm 2012 lên mức 106 tỉ đồng năm 2016), cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn rất phổ biến.
Số lượng máy POS và doanh số thanh toán thẻ tại POS cũng tăng nhưng con số này còn ở mức khiêm tốn, hiệu suất giao dịch trên một máy POSD vẫn thấp. Chẳng hạn, mỗi cửa hàng mua bán hàng hóa, dịch vụ, có thể có từ 2-3 máy POS do các NH cạnh tranh nhau, khuyến khích lắp đặt POS nhưng doanh số lại tăng không đáng kể. Thậm chí, có cửa hàng lắp đặt POS nhưng thường không sử dụng hoặc khuyến khích khách hàng trả bằng tiền mặt để tiết kiệm phí…
Giảm thuế, phí khi thanh toán qua thẻ
Đại diện Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho rằng khó khăn trong phát triển thanh toán thẻ nội địa tại Việt Nam hiện nay chủ yếu do thói quen dùng tiền mặt của người dân, chính sách phí dịch vụ chưa hợp lý. Để thúc đẩy thanh toán thẻ nội địa cần đồng bộ quy trình sản phẩm, công nghệ, đổi mới cấu trúc phí, thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng thẻ nội địa của người dân.
Theo đánh giá của các tổ chức thẻ quốc tế, Việt Nam là một thị trường tiềm năng nếu phát triển đúng hướng. Nhưng đến nay, thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển do chưa có chính sách khuyến khích người tiêu dùng và các đơn vị chấp nhận thẻ thanh toán sử dụng thẻ ATM như chính sách giảm thuế cho đơn vị chấp nhận thẻ, giảm thuế GTGT cho người thanh toán thẻ hoặc bắt buộc doanh nghiệp bán hàng sử dụng máy POS… Các chính sách để phát triển chi tiêu công qua thẻ cũng chưa được thúc đẩy. Hiện nhiều đơn vị sử dụng ngân sách vẫn chưa có hướng dẫn về xử lý chi phí khi chấp nhận thanh toán thẻ tại dịch vụ công như nộp thuế, thu phí nhập cảnh, sử dụng thẻ chi tiêu công…
Lãnh đạo Hội Thẻ NH Việt Nam cho rằng ngay chính sách đồng bộ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giao thông hiện cũng do một số NH thương mại tự triển khai, manh mún trong khi lĩnh vực này cần sự đầu tư lớn, đồng bộ. Tỉ trọng thanh toán thẻ chưa tương xứng với số lượng thẻ được phát hành và cạnh tranh giữa các NH thương mại chủ yếu về phí, thay vì chú trọng vào chất lượng. Do đó, cần vai trò điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề này.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ, nhiều chuyên gia thẻ cho rằng cần chính sách phí sàn áp dụng chung cho các NH, khuyến khích NH thương mại cạnh tranh lành mạnh về phí để phát triển hơn nữa mạng lưới thanh toán tại thị trường Việt Nam. Hội Thẻ NH Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục chính sách thúc đẩy chi trả lương qua tài khoản, xem xét chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán qua thẻ và cơ chế khuyến khích các điểm chấp nhận thẻ, giảm các loại phí phụ trội cho khách hàng khi giao dịch mua hàng bằng thẻ.
Điểm đến của tội phạm thẻ
Một trong những lý do khiến người dùng e ngại thanh toán qua thẻ là rủi ro. Theo Hội Thẻ NH Việt Nam, hiện Việt Nam là điểm đến của tội phạm trong lĩnh vực thẻ do chưa áp dụng đồng bộ các giải pháp bảo mật, xác thực tiên tiến, an toàn cao như xác thực sinh trắc (sử dụng dấu vân tay)…, còn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã gần như hoàn tất chuyển đổi thẻ chip có độ bảo mật cao hơn. Trong khi đó, tình hình tội phạm tại ATM, POS đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là loại hình tội phạm ăn cắp thông tin dữ liệu thẻ, làm thẻ giả để rút tiền và thanh toán hàng hóa dịch vụ tại ATM, POS. Công nghệ và tổ chức của tội phạm thẻ ngày càng tinh vi, hiện đại dẫn đến các thiết bị chống sao chép thông tin của các NH nhiều lúc bị vô hiệu hóa.