Các doanh nghiệp (DN) vừa thở phào nhẹ nhõm do Thông tư 36 của Bộ Công Thương (có hiệu lực từ ngày 10-2-2017) bãi bỏ quy định dán nhãn năng lượng của Thông tư 07 ban hành năm 2012.
Tiếng nói DN được lắng nghe
Phó tổng giám đốc một DN sản xuất hàng điện tử, điện máy tại Việt Nam cho rằng việc “khai tử” quy định này dù hơi chậm so với mong mỏi của DN nhưng cũng đã thể hiện sự lắng nghe, điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương và giúp đơn giản hóa nhiều thủ tục cho nhà sản xuất. Bốn năm nay, quy định dán nhãn chỉ mang tính chất thống kê, không mang lại hiệu quả gì nhưng các điều kiện để được dán nhãn do Bộ Công Thương dựng lên đã gây ra rất nhiều phiền phức, khó khăn và thiệt hại cho DN. Với những DN lớn, sản xuất nhiều loại sản phẩm, theo Thông tư 07 trước đây, mỗi dòng sản phẩm phải đem kiểm nghiệm, đăng ký mới nên mất nhiều thời gian, chi phí. Chưa kể việc kiểm nghiệm chỉ được thực hiện bởi một số đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định nên tình trạng hồ sơ kiểm nghiệm dồn ứ, sản phẩm vì vậy không được đưa ra thị trường kịp tiến độ. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cũng đã nhiều lần kêu cứu, đề nghị sửa đổi các quy định bất cập, làm khó DN trong Thông tư 07. Theo AmCham, để được dán nhãn năng lượng và chứng nhận tiêu thụ hiệu suất năng lượng tối thiểu, các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu phải có mẫu hàng hóa được kiểm tra bởi đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định. Việc kiểm tra có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng, phụ thuộc vào các sản phẩm và khối lượng công việc của những đơn vị kiểm tra. Tình trạng hàng ngàn sản phẩm phải nằm kho hàng tháng trời vì đợi kết quả kiểm tra diễn ra thường xuyên, gây tổn thất đáng kể cho các nhà sản xuất và nhập khẩu. Điều đáng nói là những quy định này là không cần thiết vì sản phẩm của các hãng sản xuất lớn như Apple, Dell, Canon, Sony, HP, Samsung... đều áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng và được kiểm tra cẩn thận trước khi đưa ra thị trường.
Một đại diện của các nhà phân phối, ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị điện máy Thiên Hòa, cũng cho rằng việc bãi bỏ các quy định không cần thiết trong dán nhãn năng lượng là hợp lý nhằm hỗ trợ thiết thực cho DN. Hiện tại, kiến thức, nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm tiết kiệm điện đã được nâng cao. Ở các hệ thống bán lẻ điện máy hiện đại, các nhân viên bán hàng tư vấn rất kỹ về tính năng của sản phẩm, đặc biệt là tính năng tiết kiệm điện. Các nhà sản xuất cũng thể hiện rõ các thông số kỹ thuật, tính năng tiết kiệm điện trên sản phẩm và xem đó là lợi thế cạnh tranh; DN vẫn thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Mặc dù vậy, ông Hậu cũng băn khoăn về công tác hậu kiểm cũng như nguy cơ hàng nhái, hàng giả lợi dụng cơ hội này len lỏi ra thị trường, cạnh tranh không lành mạnh và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trao quyền chủ động cho DN
Thông tư 36 ra đời được coi là sự cởi trói cho DN sau 4 năm chật vật tuân thủ quy định dán nhãn năng lượng. Theo đó, DN chỉ cần đăng ký dán nhãn năng lượng, được tự thực hiện việc dán nhãn năng lượng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của những thông tin mình công bố. Thông tư cũng cho phép DN sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho tất cả sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật mà không giới hạn thời gian hiệu lực của giấy thử nghiệm.
Cần nhắc lại rằng chương trình dán nhãn năng lượng ban đầu với hình thức tự nguyện được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2006 đến 2011. Từ đầu 2012, quy định dán nhãn năng lượng là bắt buộc, khiến số DN phải đăng ký tăng lên nhanh chóng. Trong đó, 7 mặt hàng nhập khẩu được cấp chứng nhận và dán tem nhiều nhất là máy lạnh, tủ lạnh, ti vi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện và đèn chiếu sáng. Sản phẩm muốn được dán nhãn năng lượng, chứng nhận tiêu thụ hiệu suất năng lượng tối thiểu để đưa ra lưu thông trên thị trường thì đơn vị sản xuất/nhập khẩu phải có mẫu hàng hóa được các đơn vị (được chỉ định) kiểm tra. Việc kiểm tra này có thể mất vài tuần đến vài tháng. DN phải tiến hành thử nghiệm nhiều lần đối với cùng một model sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng do quy định về chứng nhận dán nhãn năng lượng theo lô hàng hóa nhập khẩu, hiệu lực của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng chỉ kéo dài trong 6 tháng. Thông tư này còn quy định các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, kể cả sản xuất và nhập khẩu đều phải được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm độc lập do Bộ Công Thương chỉ định, làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất và nhập khẩu.