1. Rau trong nhà lưới: rau sạch hiện là một trong những sản phẩm hàng đầu được nhiều người tiêu dùng quan tâm và "săn đón" trên thị trường. Tại Yên Hòa, Hoài Đức, Hà Nội, nông dân chuyển đổi cơ cấu trồng rau truyền thống sang mô hình trồng rau trong nhà lưới để cho ra năng suất cao, thu về từ trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Với mô hình này, người nông dân có thể thu hoạch 8 vụ mỗi năm thay vì 6 vụ. Đặc biệt, giá bán lẻ loại rau này còn cao hơn 5 - 10% so với rau thường. Tính trung bình, mỗi năm, người dân thu được 4 tấn rau một sào. Theo đó với giá 10.000 đồng mỗi kg, họ đã thu về 40 triệu đồng một sào.
2. Chuối tiêu hồng: Loại chuối này được người dân Hưng Yên trồng bằng cách áp dụng phương pháp cấy mô tế bào, giúp cây sạch bệnh, sinh trưởng tốt, tăng năng suất lên 20 - 30% so với các cách trồng bằng cây con lấy từ gốc mẹ. Một ha đất trồng chuối tiêu hồng tại Hưng Yên cho doanh thu gấp cả chục lần vốn đầu tư ban đầu. Nếu người dân sở hữu 50 mẫu, với mức lãi 40 triệu đồng một mẫu mỗi năm, sau khi trừ chi phí, sẽ thu về khoảng 2 tỷ đồng. Chuối được trồng đan xen thành nhiều lô, giúp người dân địa phương thu hoạch quả quanh năm. Các hộ nông dân ở đây đều ghi chép lại quá trình phát triển của cây nhằm theo dõi sát sao, đồng thời, kiểm soát lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
3. Cam xoàn: Đây là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế và cũng là đặc sản nổi tiếng tại tỉnh Hậu Giang. Cam xoàn cho trái theo chùm, bình quân, một cây cho phép người dân thu về 40 đến 50 kg mỗi năm. Tùy từng địa phương mà cam xoàn có các mức giá khác nhau, dao động từ 45.000 đến 60.000 đồng một kg. Từ đó, giống cây này giúp người dân nơi đây thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Cam xoàn ở Hậu Giang được chọn lừa từ nguồn giống sạch bệnh và chất lượng, sử dụng kết hợp phân hóa học và phân chuồng, đồng thời, lên liếp cao để cây không bị ngập úng khi nước lũ về.
4. Nấm linh chi: Nhận thấy lợi nhuận khi trồng nấm linh chi cao hơn hẳn lúa hay nhiều loại cây trồng khác nên nhiều bà con nông dân ở Quảng Ninh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng quen thuộc sang nấm. Nếu sử dụng diện tích trên 300m2 để trồng hơn 25.000 bịch nấm, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, người dân sẽ có thể thu về cả tỷ đồng. Nấm được trồng theo phương pháp treo giàn, không phủ đất giúp hạn chế dịch bệnh phát sinh, tận dụng tối đa diện tích và giảm chi phí đầu vào. Hầu hết đều cho năng suất cao.
5. Nuôi cá lồng: Hiện nay, mô hình nuôi cá lồng trên sông được thực hiện tại nhiều địa bàn trên cả nước giúp bà con nông dân thu về tiền tỷ mỗi năm. Tại Hòa Bình, mỗi năm, người dân có thể cho ra sản lượng đến 350 tấn cá gồm các loại như cá lăng đen, lăng vàng, trắm giòn, chép giòn, cá vược... thu về khoảng 20 tỷ đồng. Trong khi đó ở Phú Thọ, mỗi năm sản lượng lên đến 3.000 tấn cá, mang lại nguồn lợi kinh tế hàng trăm tỷ đồng cho bà con, giúp nhiều hộ gia đình có cuộc sống khấm khá hơn. Bên cạnh đó, với mô hình này, người dân không chỉ tận dụng nguồn nước tự nhiên mà còn góp phần làm sạch khu nuôi thả do lợi dụng được dòng chảy.
6. Mô hình lúa tôm: Thời gian gần đây, nhiều nông dân thuộc vùng chuyên canh lúa năng suất thấp ở các tỉnh ven biển của miền Tây như Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh… đồng loạt mở rộng mô hình sản xuất theo hướng một vụ lúa, một vụ tôm. Theo người dân nơi đây, điểm khác biệt lớn nhất của mô hình này là nông dân không sử dụng phân bón hóa học nhằm hạn chế ô nhiễm đồng ruộng, tránh độc tố gây hại quá trình phát triển của tôm. Tôm nuôi trong ruộng sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh và thải ra sản phẩm có thể sử dụng cho lúa phát triển. Vì vậy, chi phí đầu tư cũng tiết kiệm hơn bình thường. Nhiều hộ tại đây đạt doanh thu ở mức 2 - 2,5 tỷ đồng trong toàn vụ.
7. Gà thả đồi: Những năm gần đây, gà đồi được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng thịt chắc, ngon. Nhờ nuôi thả gà đồi, hàng năm bà con tại huyện Sóc Sơn hay Phú Bình có thể cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn con gà, giúp thu về hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Để có được điều này, gà phải được lựa chọn từ những con khỏe mạnh, thuộc giống gà ri bản địa, đã được tiêm văcxin và kiểm dịch trước khi đến tay từng hộ nuôi. Gà được nuôi cách xa khu công nghiệp, tại những nơi thoáng đãng, có không gian rộng rãi, tạo điều kiện cho việc vận động.
8. Thịt trâu gác bếp: Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Với mức giá trên thị trường từ 800.000 đồng đến một triệu đồng mỗi kg, thịt trâu khô mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho nhiều hộ gia đình tại xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Nhờ việc áp dụng phương thức chế biến bằng bếp lò, các cơ sở sản xuất tại đây có thể cung cấp đến hàng chục tấn sản phẩm một năm nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo.