Tôi tin chắc rằng có rất nhiều người phụ nữ đã lâm vào hoàn cảnh đó. Họ còn tự ví mình là một "con nghiện" khó chữa. Vậy còn bạn thì sao? Và bạn có bao giờ muốn mình “cai nghiện” thành công thứ hàng hóa “chết người” này không? Cùng chia sẻ những cách sau xem sao nhé!
1. Nhấn “Bỏ thích” với tất cả các trang bán hàng online mà bạn đã từng "Thích" trên Facebook
Facebook hiện là một thế giới đa sắc màu. Nó không chỉ lôi kéo bạn vào hàng ngàn câu chuyện phiếm, làm bạn tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian mỗi ngày mà nó còn là một “cái chợ” bán buôn cực kỳ sôi động và hấp dẫn. Bạn đừng tiếc việc bấm vào nút “Bỏ thích”, vì việc đó trước tiên sẽ giúp bạn “tẩy chay” trang bán hàng đó, tránh chạm mặt kẻ đã hấp dẫn bạn những ngày qua. Nếu trang bán hàng đó còn nằm trong frendlist, nó sẽ luôn hiển thị ở trang chủ của bạn, những hình ảnh quần áo được tỉa tót, chụp hình đẹp mắt cứ thế lặp đi lặp lại trong mắt bạn, sẽ làm bạn không tài nào cưỡng lại nổi. Và bạn sẽ lại tái nghiện ngay!
2. Hãy xóa các history trên máy tính của bạn về các trang web buôn bán
Việc phải nhớ và đánh lại đầy đủ địa chỉ trang web bán hàng sẽ cản trở bạn đôi chút, có thể làm bạn nghĩ lại hoặc nản lòng bỏ cuộc tìm kiếm. Bạn sẽ phần nào giúp bạn bỏ được thói quen đi lang thang, ngắm nghía và dễ dàng vượt qua cơn "thèm thuốc".
3. Không mang nhiều tiền trong ví khi đi làm
Việc có sẵn tiền trong ví luôn làm bạn hứng khởi, dễ dàng an tâm bước chân vào các shop thời trang dọc đường đi để ngắm nghía. Có thể bạn đã nghĩ: “chỉ vào chơi, ngắm thôi nhé!”, nhưng biết đâu được, lỡ bạn gặp một món quá ưng ý và bạn lại dốc hết số tiền đang có mặc kệ cho sự áy náy dày vò thì sao.
Cũng với ý nghĩ đó, bạn tự tin vào dạo các shop online và cũng “vô tình nhặt được bí kíp”. Các shop online thường có một “nghệ thuật” nhỏ là khi người mua order (đặt) món hàng thì họ lập tức cho ship (chuyển) hàng ngay để tránh việc đổi ý, hủy oder. Chính vì thế, nếu có sẵn tiền trong túi, bạn sẽ "sập bẫy" của chính mình ngay. Nếu tiền để ở nhà “mai mới lấy hàng được” thì đó cũng là cơ hội cho bạn suy nghĩ lại. Và hôm sau bạn có thể nói hủy món hàng nếu đã cảm thấy bớt thích. Bạn đừng quá ngại vì việc hủy hàng có thể làm shop bực mình, chuyện này rất thường tình thôi.
4. Tạm khóa dịch vụ chuyển khoản qua mạng
Dịch vụ này tuy khá tiện lợi, nhanh chóng nhưng cũng là con dao hai lưỡi, vì nó sẽ hỗ trợ bạn tiêu tiền nhanh nhẹn một cách chóng mặt. Khi không có nó, sẽ cản trở phần nào việc mua sắm của bạn đấy. Dù sao, việc đi ra ngân hàng, làm thủ tục chuyển khoản... cũng sẽ làm bạn lười và nản lòng đôi chút.
5. Đừng bén mảng vào các trang thanh lý hàng
Nhiều người có thói quen vào những trang bán hàng này vì họ mong mỏi tìm được món hời. Tuy nhiên, bạn nên nhớ, nếu đã là món tốt, rẻ, đẹp thì rất ít ai muốn bán nó đi với giá thanh lý rẻ mạt cả. Ở đó sẽ có rất nhiều người mong muốn đẩy được món đồ họ đã lỡ mua mà không vừa ý, đồ không còn hợp mốt, đồ bị lỗi… Và nếu mua về, bạn có thể sẽ chỉ làm khổ chiếc tủ của mình thêm vì sự quá tải mà thôi.
6. Nếu muốn mua, hãy tìm đến tận nơi xem và thử
Đến tận nơi thử cũng là một bước thử thách cho bạn "vượt lên chính mình"
Rất nhiều shop bán hàng online có địa chỉ cho bạn đến thử. Cách này sẽ giúp bạn kéo dài thời gian kiểm chứng xem ý thích của mình có phải là nhất thời không. Trong lúc này, bạn hãy đặt cho mình những câu hỏi đại loại như: món đồ đó mình đã có chưa? Có món nào tương tự rồi? Sẽ sử dụng nó vào dịp nào? Có hữu dụng không? Các khoản chi tiêu trong tháng này liệu có bị thâm hụt nếu mua sắm?… Nếu vượt qua được những câu “tự vấn” này hẳn bạn sẽ cất công đi xem đồ, còn không, tự nhiên bạn sẽ nản chí và không còn màng đến nó nữa. Hơn nữa, việc đi đến tận nơi thử, sờ, ngắm trực tiếp sẽ giúp bạn không bị mua lầm món kém chất lượng, chất lượng không giống mô tả và màu sắc không như hình chụp…
Và còn rất nhiều những cách khác nữa. Tuy nhiên, những phương kế này để thành công, cần thiết phải có sự kiên định, cứng rắn của bản thân.
Tổng hợp