Khổ qua có nhiều loại và loại được dùng thông thường có tên khoa học là Momordica charantia. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã khảo sát tác dụng của khổ qua đối với bệnh đái tháo đường. Các tác giả nêu khả năng khổ qua có thể chứa các thành phần gây giảm lượng đường trong máu và ức chế sự thèm ăn theo cách tương tự như insulin.
Lợi ích ít nhiều được chứng tỏ
Khảo sát của các nhà khoa học Thái Lan tại ĐH Naresuan được công bố trên tờ Journal of Ethnopharmacology hồi năm 2011 cho thấy việc dùng hằng ngày 2.000 mg chất chiết xuất từ khổ qua trong vòng 4 tuần có thể giúp kéo giảm đáng kể mức độ đường trong máu của bệnh nhân đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, tác dụng giảm đường huyết vẫn kém hơn so với liều dùng 1.000 mg metformin - thuốc thường được kê toa để kiểm soát lượng đường trong máu.
Một khảo sát khác của nhóm nghiên cứu người Canada thuộc ĐH Queen được công bố trên tờ British Jourrnal of Nutrition hồi năm 2009 cho thấy khổ qua có thể giúp cải thiện tình trạng không dung nạp glucose và ức chế lượng đường trong máu sau bữa ăn.
Một nghiên cứu được công bố trên trang tin PubMed thuộc Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ đã cho thấy dùng chế phẩm từ khổ qua có thể giúp kéo giảm 0,25% chỉ số HbAc1 (tức chỉ số đường huyết trung bình trong khoảng từ 2 đến 3 tháng) ở những người mới bị chẩn đoán đái tháo đường và những người có chỉ số đường huyết cao từ 7%-9%.
Nhiều người dùng khổ qua nhằm giúp hạ đường huyết, giảm thiểu triệu chứng đái tháo đường Ảnh: THE GUARDIAN
Nghiên cứu thêm về tác dụng, an toàn
Tuy nhiên, một bài báo trên tờ Nutrition and Diabetes hồi năm 2014 tập hợp kết quả của 4 khảo sát trên người không bị đái tháo đường cho thấy việc bổ sung chiết xuất từ khổ qua không kéo giảm đáng kể mức HbAc1 hoặc lượng đường lúc đói của nhóm đối tượng này.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Current Pharmacology Reports hồi năm ngoái tập hợp một số khảo sát gần đây hơn về lợi ích của khổ qua, trong đó có tác dụng hạ đường huyết đối với bệnh nhân đái tháo đường. Những khảo sát nói trên đã phát hiện ít nhiều lợi ích kéo giảm lượng đường huyết của khổ qua cũng như giúp giảm thiểu tác hại cho bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu đề nghị cần khảo sát thêm để có thể đi đến kết luận thực sự về những tác dụng cụ thể.
Nhìn chung, khổ qua được xem là an toàn đối với đa số người trưởng thành. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo rằng khả năng có tác dụng phụ về lâu dài chưa được nghiên cứu kỹ. Có nhận định rằng dùng nhiều khổ qua có thể gây vấn đề cho dạ dày, thậm chí có người bị tiêu chảy. Một số trường hợp khổ qua gây nôn và tiêu chảy đã được ghi nhận ở trẻ em. Phụ nữ mang thai không nên dùng nhiều khổ qua do khả năng liên quan với nguy cơ chảy máu, co thắt tử cung có thể dẫn đến sẩy thai. Việc dùng quá nhiều khổ qua cũng có thể gây nguy cơ hạ đường huyết xuống quá thấp. Bệnh nhân nên theo dõi chặt chẽ lượng đường huyết và nên hỏi ý kiến thầy thuốc khi muốn bổ sung khổ qua vì khả năng xảy ra tương tác với các loại thuốc đang dùng, khiến lượng đường huyết thay đổi đến mức nguy hiểm.
Hình thức và liều lượng
- Bệnh nhân đái tháo đường có thể bổ sung khổ qua dưới dạng nguyên trái, chế biến thành bột, nước ép, hoặc dùng kèm trong thức ăn hay dạng khổ qua đã phơi hoặc sấy khô thành trà.
- Để an toàn, chỉ nên dùng trong khoảng từ 60-85 g khổ qua tươi hoặc từ 50-100 ml nước ép hay chỉ một trái khổ qua nhỏ mỗi ngày.
- Bệnh nhân có thể dùng trực tiếp, chế biến khổ qua tại nhà để dùng hoặc tìm kiếm ở cửa hàng thực phẩm, dược liệu. Trong trường hợp mua sản phẩm nên chú ý kỹ hướng dẫn trên bao bì và tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ.