Tình trạng này rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Điều mới mẻ được biết chính là chứng ADHD cũng ảnh hưởng đến chất liệu di truyền ADN của những đứa trẻ và cha mẹ chúng. Các nhà nghiên cứu của Brazil tại Viện Nghiên cứu & Giáo dục D’Or và Đại học Liên bang Minas Gerais (Brazil) đã phát hiện rằng những đứa trẻ bị ADHD và mẹ chúng rất dễ rơi vào tình trạng đoạn telomere ngắn đi. Đây là một dấu hiệu chỉ điểm sự lão hóa tế bào, có liên quan đến nguy cơ gia tăng các bệnh mạn tính như đái tháo đường, béo phì và ung thư.
Telomere là những đoạn ở 2 đầu nhiễm sắc thể, có tác dụng chống hiện tượng mất ADN mã hóa protein trong suốt giai đoạn phân chia tế bào. Telomere ngắn đi xảy ra cùng với sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Các nghiên cứu đã chứng tỏ rằng sự ngắn đi của telomere tăng lên khi gặp stress tâm lý và sinh học, nghĩa là telomere càng ngắn thì vòng đời của một người càng ngắn lại.
Nghiên cứu trên (được đăng tải trên tờ Frontiers of Molecular Neuroscience) đã đánh giá chiều dài telomere của 61 trẻ từ 6-16 tuổi bị ADHD và cha mẹ chúng. Thậm chí, ngay cả ở những trẻ mới bắt đầu cuộc sống thì telomere cũng đã bị ngắn đi so với trẻ cùng tuổi không bị ADHD. Mặc dầu telomere của người mẹ cũng ngắn đi nhưng telomere của người cha lại không thay đổi về chiều dài.
Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng ngắn đi của telomere là do stress. Người mẹ, vốn trực tiếp chăm sóc con, dễ bị trầm cảm và stress trong việc chăm sóc trẻ hơn là người cha. Các triệu chứng ADHD thường xuất hiện trong thời kỳ thơ ấu (với biểu hiện giảm chú ý, tăng động và bốc đồng) gây ra những hậu quả tiêu cực trong đời sống của trẻ và người thân.
Nhà tâm thần kinh học Paulo Mattos của D’Or cho biết: “Khi người ta nghĩ về những vấn đề hành vi ở trẻ, họ thường nghĩ đến các yếu tố tâm lý và tác động của chúng như thế nào đến kết quả của việc học ở trường và tương tác với xã hội”.
Chiều dài của telomere rất dễ di truyền. Cha và mẹ có telomere ngắn sẽ chuyển đặc tính này cho con trẻ của họ. Ở trẻ bị ADHD, đã có sẵn telomere ngắn, đặc tính này sẽ được chuyển lúc sinh.
Triệu chứng tăng động có liên quan đến chiều dài của telomere hơn là triệu chứng giảm chú ý. Trẻ bị ADHD càng tăng động thì telomere càng ngắn và người mẹ cũng chịu tác động tương tự. Theo Mattos: “Điều này rất có ý nghĩa nếu hiểu rằng tăng động là triệu chứng ảnh hưởng rất tiêu cực đến gia đình trẻ và gây nhiều stress. Và đó thường là lý do cha mẹ đưa trẻ đi khám”. Vì vậy, việc can thiệp sớm để ghi nhận các vấn đề trong cách cư xử ở trẻ, từ đó phòng ngừa các stress tâm lý và tình trạng ngắn đi của telomere là rất quan trọng.