Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động và triển khai. Mục đích là nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất (SX) tại Việt Nam, qua đó góp phần tăng tỉ lệ sử dụng thuốc SX trong nước có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng; đồng thời thúc đẩy ngành SX, kinh doanh dược Việt Nam phát triển cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vắng bóng ở bệnh viện trung ương
Theo ông Cường, sau 4 năm thực hiện đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam", tỉ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh đạt 35,4%, tăng 1,5% so với thời điểm trước khi triển khai đề án. Đặc biệt tại tuyến huyện, tỉ lệ sử dụng thuốc nội tăng gần 8% so với trước, lên 69,4%. Thuốc SX trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% cho công tác phòng, chữa bệnh. Theo đó từng bước thay đổi dần quan niệm của người dân, cán bộ y tế trong sử dụng thuốc nội. Hiện thuốc SX trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% cho công tác phòng, chữa bệnh với 520 hoạt chất trên tổng số 953 hoạt chất hiện đang lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, ông Cường cho biết do phần lớn thuốc nội vẫn là những hoạt chất đơn giản, trị các bệnh thông thường nên tại BV tuyến trung ương - nơi điều trị các bệnh lý phức tạp - thuốc nội vẫn khó "chen chân", chỉ đạt hơn 10%, thậm chí còn có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2013, tỉ lệ này là 11,57%; năm 2014 là 11,31% và đến năm 2015 chỉ còn 10,02%. Nhiều BV lớn sử dụng dưới 6% thuốc nội (năm 2015): BV Phụ sản Trung ương (3,14%); BV K (3,3%); Bạch Mai (3,97%); BV Việt Đức (5,87%); BV Tai mũi họng trung ương (5,63%)...
Thuốc nội vẫn chật vật khi chen chân vào các bệnh viện tuyến cuối. (Nhà thuốc Bệnh viện Nội tiết trung ương)
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng trở ngại lớn nhất khi thực hiện đề án, đó là việc kê thuốc là do bác sĩ và quyết định của bệnh nhân. Tuy nhiên, giám đốc nhiều BV tuyến trung ương chia sẻ dù BV rất muốn sử dụng nhiều loại thuốc SX trong nước để phục vụ công tác khám chữa bệnh nhưng do BV là tuyến cuối tập trung nhiều bệnh nhân nặng, mắc bệnh hiểm nghèo, nan y, đòi hỏi nhiều loại thuốc đặc trị mới có thể điều trị khỏi bệnh. Các loại thuốc này thì Việt Nam lại chưa SX được.
Khó thay đổi thói quen
Bác sĩ Trần Viết Tiệp, Giám đốc BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết để đạt được tỉ lệ sử dụng thuốc nội tại BV lên đến 45,2%, ban giám đốc BV phải rất quyết liệt, nhất là trấn an tâm lý người bệnh và một bộ phận thầy thuốc. BV phải xây dựng nhiều phác đồ điều trị, thường xuyên tham gia hội chẩn, kiểm tra thường xuyên kê đơn của bác sĩ… Với mục tiêu ưu tiên thuốc nội, chỉ kê đơn thuốc ngoại khi người bệnh thật sự cần, nhất là thuốc kháng sinh.
Thừa nhận thực trạng thuốc nội dù mẫu mã phong phú, chất lượng không thua kém gì thuốc ngoại nhưng vẫn "vất vả" chen chân vào BV, nhất và BV tuyến cuối, bà Phạm Thị Việt Nga, Công ty CP Dược Hậu Giang, cho biết hiện nay thuốc trong nước chủ yếu tập trung vào các thuốc generic bởi một số thuốc đặc trị chi phí nghiên cứu lớn, thời gian kéo dài. Ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco, cũng cho biết các sản phẩm của công ty chỉ bán khá tốt tại các nhà thuốc nhưng tại các BV thì sụt giảm. Nguyên nhân do Luật Đấu thầu của Việt Nam còn nặng về giá, chưa có phân loại đấu thầu xếp hạng cho những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng, đánh đồng về yếu tố kỹ thuật. Trong khi đó, doanh nghiệp phải chi phí đầu tư cho chất lượng sản phẩm tốt hơn, dẫn tới giá thành cao hơn.
TS Trương Quốc Cường cho rằng không chỉ nỗ lực thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng thuốc nội cũng đòi hỏi các doanh nghiệp nỗ lực quảng bá thuốc Việt, đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc tốt, giá thành phù hợp. Bộ Y kêu gọi các cộng đồng các bác sĩ, các hội đồng chuyên môn trong ngành y tế luôn ý thức, ưu tiên thuốc nội trong quá trình đấu thầu, sử dụng. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tăng cường cải cách mẫu mã, khẳng định chất lượng bằng cách chứng minh tương đương sinh học để các thầy thuốc yên tâm lựa chọn thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Theo mục tiêu giai đoạn 2 của Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" đặt ra, đến năm 2020 tỉ lệ sử dụng thuốc SX trong nước chiếm 30% tại các BV tuyến Trung ương, 50% ở BV tuyến tỉnh và 75% ở BV tuyến huyện.