Éo le chính ở chỗ bệnh tim mạch vẫn trước sau đứng đầu về tỉ lệ tử vong mặc dù ngành y có nhiều tiến bộ nhảy vọt về kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị. Phải có lý do nào đó khiến trái tim với sức chịu đựng và bù trừ rất cao chợt một ngày ngã bệnh khiến thầy thuốc trở tay không kịp. Nguyên nhân do bàn tay phá hoại của một loạt nhân tố như xơ vữa mạch máu, tăng mỡ máu, dòng máu quá đậm đặc, cao huyết áp…
Vậy nên, nếu có cách nào vừa bọc lót vừa đỡ đòn cho trái tim thì đó là biện pháp an toàn và hợp lý để kéo dài tuổi thọ.
Trên bàn ăn của người dân vùng Địa Trung Hải, địa danh có số người sống thọ nhiều nhất thế giới, bao giờ cũng có món rau trộn. Dân bên đó thường chọn dầu ô liu vì trong dầu này chứa hàm lượng rất cao của tập thể hoạt chất “2 trong 1” như choline, axít phenolic với công năng vừa bảo vệ cấu trúc của dây và tế bào thần kinh vừa chống xơ vữa mạch máu. Đó là lý do người dân xứ này vừa ít bệnh tim vừa vui vẻ hiếu khách. Trái tim không mệt, mạch máu không chai, trí óc không buồn, tất nhiên phải sống thọ, ắt hẳn phải sống vui. Chuyện tưởng nhiêu khê nhưng giải pháp lại đơn giản: Nhỏ vài giọt dầu ô liu vào đĩa xà lách, cà chua, dưa leo, củ hành…; dùng dầu để chiên xào, thay vì chọn mỡ động vật để biến món ăn đơn giản thường ngày thành bài thuốc trợ tim, dưỡng não.
Cuộc sống trên quần đảo Phù Tang chắc chắn cũng gặp stress không thua gì xứ mình nhưng xứ mặt trời mọc vẫn tự hào với số người bách niên giai lão. Bên cạnh nghệ thuật thiền định, người Nhật sống thọ còn vì chế độ dinh dưỡng của họ đã từ bao đời gắn chặt với các món ăn chế biến từ đậu nành, đặc biệt là dầu đậu nành. Dễ hiểu vì khó tìm được loại dầu nào có đến 60% chất béo loại không bão hòa, nghĩa là loại không gây xơ vữa mạch máu, vừa bảo vệ cấu trúc của tế bào thần kinh. Bên cạnh đó, nhờ tỉ lệ hài hòa của 3 loại omega 3, 6 và 9 nên dầu đậu nành thừa sức tương tranh với các loại chất béo gốc động vật vừa độc hại vừa hay tấp vào thành bụng khiến tăng vòng số 2, như triglyceride.
Từ khi phát hiện tác hại của tập thể độc chất mang tên chất “ôxy hóa” sản sinh không ngừng bên ngoài từ môi trường ô nhiễm và bên trong từ cuộc sống chung với stress, qua đó tế bào trong cơ thể mỗi ngày bị công kích cả chục ngàn lần để nếu nhẹ thì rối loạn chức năng, nặng thì biến thể thành tế bào ung thư.
Thầy thuốc hiện đang đặt nhiều hy vọng vào hoạt chất thiên nhiên có công năng “kháng ôxy hóa”. Với mục tiêu đó, các nhà nghiên cứu đã chẻ nhỏ không biết bao nhiêu dược liệu từ kho tàng kinh nghiệm của y học dân gian để mong tìm cho được chất nào có khả năng vô hiệu hóa tác dụng hóa xơ, gây rỉ, đục thủng màng tế bào... của chất ôxy hóa. Tưởng đâu xa, ai ngờ giải pháp nằm ngay trong dầu gạo. Nhờ hàm lượng rất cao của các sinh tố kháng ôxy hóa như sinh tố E, A, K ở dạng được dung nạp tối đa, của các khoáng tố vi lượng giữ vai trò đòn bẩy cho phản ứng kháng bệnh như selen, crôm, vanadium, boron..., của hoạt chất thực vật thuộc nhóm “trời sinh để chống ung thư” như polyphenol, dầu gạo đã từ lâu có mặt trong danh sách thực phẩm được công nhận có tác dụng phòng ngừa ung thư.
Nhiều mũi giáp công bao giờ cũng chắc ăn. Chính vì thế mà chế độ dinh dưỡng nếu muốn đúng nghĩa toàn diện phải đa dạng. Với dầu thực vật cũng vậy, tuy dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu gạo đều có ưu điểm thấy rõ nếu so sánh với chất béo gốc động vật, nhưng khéo hơn nhiều vẫn là cách dùng kết hợp cả 3 trong khẩu phần thường ngày.