Ăn uống lành mạnh, đủ chất không những giúp bạn giảm cân mà còn phòng ngừa bệnh tật tốt hơn. Việc đó ai cũng biết và làm hằng ngày nhưng những nguy cơ gây bệnh ẩn chứa trong các loại thực phẩm và cách hạn chế tối đa vi khuẩn gây bệnh không phải ai cũng biết.
Thịt bò: Những sản phẩm từ trâu, bò là nguồn gốc của hơn một nửa các ca báo cáo về E.coli, một loại bệnh có thể gây tiêu chảy, ói mửa, thậm chí suy thận và tử vong. Để tránh vi khuẩn trong thịt bò, khi chế biến, bạn nên nấu kỹ. Bạn có thể cho nhiệt kế vào phần thịt dày nhất, đo nhiệt độ chừng 73 độ C - nghĩa là thịt đã được nấu chín đến 73 độ.
Thịt gà: 1/10 người bị bệnh vì vi khuẩn salmonella bị truyền nhiễm từ gia cầm. Loại vi khuẩn này gây ra sốt, tiêu chảy, đau bụng và nhức đầu. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, bạn nên làm theo đúng hướng dẫn chế biến gà vì vi khuẩn này sinh sản rất nhanh ở nhiệt độ thường. Không nên rã đông gia cầm (hoặc bất cứ loại thịt nào) bằng nước ấm hoặc trên quầy mà nên để tan trước trong tủ lạnh. Cũng tương tự với thịt bò, thịt gà được nấu chín khoảng 73 độ C là nhiệt độ tốt nhất để làm sạch vi khuẩn.
Thịt heo: Thịt heo gây ra 80% trường hợp bị salmonella. Khi mua thịt heo, bạn nên yêu cầu người bán cho 2 bao để bọc. Khi về nhà, bạn cho thịt trong bao vào tủ lạnh, để ở phần dưới cùng, để nước thịt không dây vào các đồ ăn khác.
Hải sản: Những vi khuẩn như salmonella và campylobacter cũng có thể ảnh hưởng đến các loại thực phẩm khác như hàu, sò, chúng làm tăng nguy cơ ô nhiễm vibrios, vi khuẩn có trong tự nhiên ở các vùng nước đại dương. Khi nhiễm vi khuẩn này, bạn có thể bị tiêu chảy, chuột rút, buồn nôn, nôn mửa, sốt, ớn lạnh. Nấu hải sản chín tới 63 độ C có thể diệt tất cả các vi khuẩn. Nếu ăn cá sống, bạn đã có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Bạn nên mua cá tươi từ những cửa hàng có uy tín hơn là chuỗi bán hàng lớn hay giảm giá.
Trứng: Trứng gây ra 12% trường hợp bị salmonella. Nếu bạn muốn ăn trứng ốp-la, trứng luộc hay các món trứng chưa nấu chín lòng đỏ, nên mua trứng tiệt trùng đã được qua xử lý nhiệt độ để giết vi khuẩn.
Rau trái có vỏ cứng: Ngay cả khi nếu bạn đã gọt vỏ rau trái thì nguy cơ nhiễm khuẩn listeria vẫn còn. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn mửa, sốt và tiêu chảy. Vi khuẩn dễ dàng ẩn nấp trong các ngách và vết nứt của vỏ, theo dao cắt mà lan vào trong trái. Bạn nên rửa thật kỹ rau trái bằng nước sạch và bàn chải dành riêng cho rau củ. Nên gọt vỏ trước, sau đó rửa sạch dao và thớt trước khi cắt vào trong.
Rau trái có vỏ mềm: Rau quả có hạt như cà chua chiếm 1/5 trường hợp bị salmonella. Những trái cây khác như dâu cũng tương tự. Để bảo đảm an toàn, bạn nên xem xét kỹ cả gói thực phẩm trước khi dùng. Nếu có 1 trái bị nấm mốc, nên bỏ tất cả. Cả gói có cùng điều kiện bảo quản khiến nấm mốc phát triển, các mầm bệnh lan truyền. Trước khi ăn, bạn nên rửa kỹ bằng cách đặt chúng trong tô nước lạnh, sau đó đổ đi.
Rau xanh: Cùng với những loại rau khác trồng trên đất, rau xanh gây nên 1/3 trường hợp nhiễm E.coli trong thập kỷ qua. Bạn nên rửa sạch rau và để ráo hoàn toàn trước khi ăn sống.
Các sản phẩm từ sữa: Sữa và các sản phẩm từ sữa gây ra 1/3 trường hợp nhiễm campylobacter có thể gây ra đau bụng, tiêu chảy, sốt. Dù các vi khuẩn thường được diệt trong quá trình tiệt trùng, chúng vẫn còn trong sữa tươi nguyên chất và vài loại pho mát mềm.
Bạn nên giảm nguy cơ bằng cách giữ thực phẩm trong tủ lạnh. Phần “nguy hiểm” để vi khuẩn phát triển là từ 4 đến 60 độ C. Kiểm tra tủ lạnh của bạn có đủ lạnh và để thực phẩm vào tủ lạnh sau không quá 2 tiếng sau khi mua, nên sớm hơn nếu thời tiết quá nóng. n