Với cả nam và nữ giới, đái tháo đường thường xảy ra hơn ở người béo phì, cao huyết áp, có người thân trực hệ bị đái tháo đường, lượng cholesterol xấu và triglycerid cao, có tiền sử đường trong máu cao hoặc mang chứng bệnh nào đó liên quan với kháng insulin. Nam giới thường bị đái tháo đường type 2 nhiều hơn nữ, một giả định được nêu là do đàn ông béo bụng nhiều hơn nên tỉ lệ kháng insulin cao hơn so với phụ nữ. Bệnh tim do hậu quả đái tháo đường ở nam giới nhiều hơn nhưng nguy cơ này hầu như tương đương nhau khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh.
1/3 phụ nữ không biết mình bệnh
Một chứng bệnh chỉ có ở phụ nữ không liên quan đến việc cơ thể kháng insulin là đa nang buồng trứng. Ở bệnh này, buồng trứng trở nên to và không sản sinh trứng một cách bình thường. Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, gần 1/3 phụ nữ bị đái tháo đường nhưng không biết mình bị bệnh. Cơ quan này khuyến cáo những người trên 45 tuổi ở tình trạng dư cân, béo phì hoặc có một trong những yếu tố nguy cơ nêu trên nên kiểm tra xem có bị đái tháo đường hay không.
Phụ nữ đái tháo đường có nguy cơ bị bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong cao hơn đáng kể so với những chị em không mắc bệnh này và đây là biến chứng đáng lo ngại nhất. Lượng đường trong máu cao lâu dài làm tổn hại mạch máu và dây thần kinh hoặc có thể dẫn tới viêm mạch máu lâu dài, khiến mạch cứng lại. Khi điều đó xảy ra, dòng máu chảy vào nhiều vùng khác nhau của cơ thể bị giới hạn, hậu quả là bệnh nhân có thể bị đau tim, đột quỵ hoặc bệnh ở thận, mắt và răng. Những tổn hại ở dây thần kinh cũng ảnh hưởng đến vấn đề lưu thông máu đến chân tay và trong trường hợp nặng có thể cần đoạn chi. Đặc biệt, đái tháo đường cũng có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục ở nữ giới như nhiễm trùng men nấm âm đạo, giảm độ trơn âm đạo, giảm ham muốn tình dục.
Đường máu cao gây hại cho thai nhi
Đái tháo đường khi mang thai là bệnh xảy ra tạm thời ở một số thai phụ và làm tăng khả năng bị đái tháo đường type 2 về sau. Đái tháo đường khi mang thai thường không có triệu chứng nên thai phụ cần kiểm tra đường huyết. Mọi thai phụ đều có nguy cơ bị đái tháo đường nhưng nguy cơ cao hơn trong những trường hợp như: dư cân trước khi mang thai; đường huyết cao nhưng chưa đạt tới mức chẩn đoán đái tháo đường (tiền đái tháo đường); tiền sử gia đình bị đái tháo đường; từng bị đái tháo đường khi mang thai trước đó; sinh con có thể trọng hơn 4 kg hoặc bị hư thai trước đó. Cần kiểm soát đường huyết ở mức cho phép trước khi mang thai để có thai kỳ lành mạnh. Lượng đường trong máu cao có thể gây hại cho bào thai và khuyết tật bẩm sinh. Cả đái tháo đường type 1 và type 2 khi mang thai đều có nguy cơ gây biến chứng. Thai phụ cần tham khảo ý kiến thầy thuốc về chế độ ăn, vận động thích hợp cũng như xét nghiệm đường huyết. Nên đặc biệt chú ý và có thể thay đổi cách dùng thuốc nếu cần thiết.
Những thay đổi trong thời gian mãn kinh ở cơ thể phụ nữ có thể gây đái tháo đường. Thay đổi về hormone ảnh hưởng lên cách tế bào phản ứng với insulin - vốn là hormone kiểm soát lượng đường trong máu. Lúc đó, mức đường huyết khó dự liệu và phải được kiểm tra thường xuyên hơn. Mức hormone sinh dục nữ estrogen xuống thấp do mãn kinh có thể khiến dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu và âm đạo ở bệnh nhân đái tháo đường. Nhiều phụ nữ tăng cân khi mãn kinh nên bệnh nhân đái tháo đường cần thay đổi liều lượng insulin hoặc thuốc điều trị thích hợp với những thay đổi cơ thể. Tình trạng mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cũng có thể khiến khó kiểm soát lượng đường trong máu. Đái tháo đường cũng có thể gây tổn hại tế bào thần kinh ở âm đạo và điều đó khiến âm đạo khô, ảnh hưởng đến quan hệ tình dục.
Các yếu tố nguy cơ đặc biệt ở phụ nữ gồm: Đái tháo đường khi mang thai lần trước, từng sinh con nặng hơn 4 kg, tiền sử hội chứng đa nang buồng trứng.