Theo cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, một muỗng canh bột nghệ chứa 29 calo, 0,9g protein, 0,3g chất béo và 6,3g carbohydrate. Nghệ từng được dùng trong y học truyền thống Đông phương để chữa trị những bệnh do viêm, bệnh ngoài da, chữa lành vết thương, tiêu hóa kém và bệnh gan. Curcumin là hoạt chất chủ yếu được cho là có nhiều lợi ích cho sức khỏe làm nên vị đắng và hơi cay của nghệ.
Từ tác dụng kháng viêm, giúp dễ tiêu
Curcumin có thể giúp cải thiện tiêu hóa bằng cách kích thích tiết mật. Một khảo sát đã cho thấy nghệ có thể giúp kéo giảm chứng trướng bụng và đầy hơi. Tổ chức chuyên khuyến khích việc dùng thảo dược theo cách an toàn tại Đức German Commission E. đã chấp nhận sử dụng nghệ để chữa trị bệnh về tiêu hóa. Về lợi ích kháng viêm, curcumin có thể làm hạ 2 dạng enzyme gây viêm trong cơ thể và điều đó có ý nghĩa quan trọng vì chứng viêm là nguồn mạch liên quan với những bệnh như bệnh tim, đái tháo đường type 2, đột quỵ, viêm khớp, ung thư, bệnh Alzheimer và hội chứng ruột kích thích. Nhiều thí nghiệm lâm sàng từng cho thấy hiệu quả điều trị của curcumin như liệu pháp kháng viêm tự nhiên. Đối với viêm khớp, một khảo sát trên 50 bệnh nhân được cho dùng curcumin hằng ngày trong 3 tháng đã cho thấy tác dụng giảm mức độ viêm và giúp bệnh nhân vận động tốt hơn. Thí nghiệm về việc bổ sung curcumin cũng đã cho thấy tác dụng giảm đáng kể triệu chứng ở những bệnh viêm đường ruột như bệnh Chrohn và viêm loét đại tràng.
Tác dụng ngăn ngừa kết tập tiểu cầu để hình thành huyết khối của nghệ đã được phát hiện. Một vài nghiên cứu ban đầu đã cho thấy nghệ có thể giúp ngăn ngừa mảng bám thành mạch máu. Thí nghiệm trên động vật nêu khả năng chiết xuất từ nghệ kéo giảm mức độ cholesterol xấu (LDL) trong máu. Một số nghiên cứu trên động vật phát hiện chất chống ôxít hóa trong nghệ và lợi ích kháng viêm đã có các tác dụng như: giảm cân, giảm tổng hợp triglyceride, tăng cường tỉ lệ trao đổi chất cơ bản, tăng cường ôxít hóa axít béo, cải thiện độ nhạy insulin. Tất cả tác dụng nêu trên đều có thể giúp kéo giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên, phát hiện của những nghiên cứu này cần được khẳng định lại bằng thử nghiệm trên người để nghệ có thể được sử dụng như phương pháp trị liệu.
Đến khả năng ngừa ung thư, đái tháo đường
Mặt khác, cũng đã có những bằng chứng sơ khởi cho thấy nghệ có thể giúp ngăn ngừa ung thư nhờ vào tác dụng chống ôxít hóa và lợi ích kháng viêm. Vài nghiên cứu dịch tễ học đã xác nhận chứng viêm là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư nhưng cần có thêm nghiên cứu về lĩnh vực này. Curcumin đã được phát hiện giúp kéo giảm vài triệu chứng thứ phát của bệnh ung thư như mất khả năng nhận biết mùi, ngứa ngáy và đau đớn. Chất chống ôxít hóa cùng tác dụng kháng viêm và lưu thông máu của nghệ phần nào giúp ngăn ngừa và chữa trị những bệnh suy thoái thần kinh như bệnh Alzheimer, Parkinson và đa xơ cứng. Một khảo sát trên 1.000 bệnh nhân cao tuổi bị chứng sa sút trí tuệ cho thấy những người thường xuyên dùng món cà ri - trong đó chứa nhiều nghệ - có chức năng nhận thức tốt hơn so với những người ít khi dùng món này. Một khảo sát trên 240 người bị tiền đái tháo đường được cho dùng 250 mg curcumin hoặc giả dược 2 lần/ngày trong vòng 9 tháng đã cho thấy những người dùng curcumin ít phát triển thành đái tháo đường hơn so với người dùng giả dược. Khảo sát nêu khả năng curcumin kích hoạt tuyến tụy sản sinh thêm insulin.
Mặc dù những tác dụng tích cực từ nghệ nói trên được quy về hoạt tính của curcumin nhưng một vài nghiên cứu đã cho thấy dùng nghệ đầy đủ có lợi ích hơn so với curcumin đơn độc đã được trích ly...
Thêm vào đó, một nghiên cứu so sánh đã cho thấy mức độ các thành phần như aromatic turmerone cao hơn trong dầu nghệ hoặc nghệ tươi so với bột nghệ khô và điều đó chứng tỏ nghệ tươi có tác dụng chống ôxít hóa cao hơn so với bột nghệ. Nghệ có thể được bào chế thành thực phẩm chức năng dạng viên, chiết xuất thành dung dịch hoặc cồn thoa ngoài da. Bromelain - một dạng protein trích ly từ trái thơm - làm tăng độ hấp thu và tác dụng của nghệ nên thường được kết hợp trong một số sản phẩm.
Sử dụng nghệ như gia vị được xem là an toàn nhưng một số trường hợp dùng nghệ như thực phẩm bổ sung cần thận trọng. Nghệ không nên dùng chung với thuốc chữa trào ngược dạ dày. Bệnh nhân đái tháo đường nên tham khảo ý kiến thầy thuốc khi bổ sung nghệ vì có thể dẫn tới nguy cơ hạ đường huyết. Phụ nữ đang mang thai và cho con bú không nên bổ sung nghệ.