Hầu hết mọi người đều có lúc thấy ngứa bên trong cổ họng. Rất nhiều trường hợp ngứa họng là do viêm mũi dị ứng hoặc những dị ứng khác nhưng cũng có thể là dấu hiệu sớm của bệnh do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus.
Cần lưu ý nguyên nhân
Viêm mũi dị ứng có thể là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa họng. Viêm mũi dị ứng xảy ra do cơ thể phản ứng quá mức với một chất nào đó mà bệnh nhân hít phải, có thể có hại hoặc vô hại như phấn hoa, vết bẩn, bụi, khói thuốc lá, khói khí thải. Ngứa họng cũng có thể do dị ứng thực phẩm. Trong trường hợp này, phản ứng của cơ thể xảy ra khoảng từ nhiều phút đến vài giờ sau khi dùng thực phẩm gây kích ứng. Một số trường hợp bệnh nhân dị ứng với thuốc - đặc biệt thường thấy là thuốc penicilline và các kháng sinh khác. Những triệu chứng dị ứng khác kèm theo ngứa họng xảy ra không lâu sau khi dùng thuốc. Tình trạng dị ứng từ nhẹ đến nặng và có thể đe dọa tính mạng nên bệnh nhân và người thân phải cảnh giác. Cần lưu ý rằng vài loại thuốc gây ngứa cổ và ho là do tác dụng phụ của thuốc chứ không phải dị ứng và không có triệu chứng dị ứng khác đi kèm. Điển hình là thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitor) dùng để trị cao huyết áp.
Nhiễm khuẩn đường họng và trường hợp vi khuẩn gây viêm amiđan có thể bắt đầu với chứng ngứa họng trước khi tiến tới đau họng nặng hơn. Virus gây bệnh cúm và cảm thông thường có thể khiến họng bị ngứa. Trong trường hợp này, họng có thể đau nhiều hơn kèm theo triệu chứng sốt, đau nhức cơ thể và khó chịu ở ngực. Cơ thể mất nước khi thời tiết nóng sau khi tập thể dục hoặc trong lúc bị bệnh khiến miệng và họng khô cũng có thể gây ngứa họng; một số trường hợp ngứa họng là do trào ngược dạ dày, còn gọi là ợ nóng. Khi đó, axít từ dạ dày trở ngược lên thực quản, gây ngứa và cảm giác nóng. Một số bệnh nhân bị chứng trào ngược thầm lặng có thể nhận thấy ngứa họng kéo dài.
Tránh dùng cà phê, rượu và bỏ hút thuốc lá cũng có thể là cách ngăn ngừa ngứa họng Ảnh: MNT
Triệu chứng và trị liệu
Thông thường, ngứa họng không phải là triệu chứng duy nhất mà có một số biểu hiện đi kèm có thể thay đổi tùy theo nguyên nhân gây ngứa họng. Viêm mũi dị ứng thường kèm theo các triệu chứng như chảy nước mũi hoặc ngẹt mũi; ngứa mắt và da; hắt hơi; mệt mỏi; mắt sưng, đỏ hoặc chảy nước mắt. Phân biệt ngứa họng do viêm mũi dị ứng hoặc do bệnh khác nhiều khi không dễ dàng vì đều kèm theo triệu chứng nghẹt mũi và hắt hơi. Tuy nhiên, nếu ngứa họng do bệnh cấp tính gây ra thì sẽ hết nhanh và đi kèm với những triệu chứng như sốt, nổi hạch, đau cơ, nhức đầu, ho, yếu sức.
Trong trường hợp ngứa họng do dị ứng thức ăn hoặc thuốc, những triệu chứng kèm theo có thể bao gồm nổi mẩn đỏ; da quanh mắt đỏ; ngứa tai; buồn nôn và nôn; tiêu chảy; đau bụng; sưng môi, lưỡi và họng; thở khó hoặc nuốt khó; hạ huyết áp; bất tỉnh. Những triệu chứng khác kèm ngứa họng do tình trạng mất nước gây ra như rất khát nước, khô miệng và nước tiểu sẩm màu. Nếu ngứa họng có nguyên nhân từ trào ngược dạ dày bệnh nhân có thể thấy thêm những biểu hiện như đầy hơi; khó nuốt hoặc thấy đau khi nuốt; cảm giác nóng ở họng và ngực; nóng thanh quản; lợi bị sưng; đắng miệng.
Các biện pháp khắc phục ngứa họng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Trong nhiều trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể tự chữa trị tại nhà một cách đơn giản như: Dùng một muỗng nhỏ mật ong và nuốt chậm để mật phủ và tan ở vùng họng bị ngứa; súc họng bằng nước muối; sử dụng viên ngậm hay thuốc nhỏ giọt; sử dụng thuốc xịt mũi; uống trà nóng với chanh và mật ong. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc chống dị ứng được bán không cần kê toa. Trong trường hợp bị cảm, bệnh nhân có thể dùng thuốc cảm thông thường và ngứa họng sẽ giảm theo triệu chứng cảm thuyên giảm. Cần gặp bác sĩ nếu ngứa họng kéo dài hơn 10 ngày hoặc tình trạng ngày càng nặng hơn và không đáp ứng với trị liệu tại nhà. Cần tìm đến bác sĩ gấp trong những trường hợp: khó thở, thở khò khè, nổi mẩn trên da, mặt bị sưng, sốt và khó nuốt. Những biểu hiện nói trên cần được thầy thuốc chỉ định trị liệu bằng kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc chăm sóc trong trường hợp bị dị ứng nặng.
Có một số cách giúp ngăn ngừa ngứa họng tùy theo nguyên nhân mà bệnh nhân có thể làm theo, như: bỏ hút thuốc lá, uống nhiều nước, tránh cà phê và rượu, không mở toang cửa và cửa sổ hoặc ra ngoài khi thời tiết dễ gây dị ứng...