Không chỉ cảm thấy mệt khiến chất lượng cuộc sống giảm sút và ảnh hưởng đến hầu hết mọi sinh hoạt, nhiều bệnh nhân CFS khổ sở vì không hoàn thành trách nhiệm ở nhà và nơi làm việc trong khi một số khác cảm thấy mất khả năng hoạt động và cần phải nằm nghỉ. Hơn thế nữa, CFS còn bao gồm nhiều triệu chứng khác giống như chứng cúm hoặc đau mạn tính nên một số người cho rằng nên gọi đây là hội chứng mệt mỏi và rối loạn hệ miễn dịch (CFIDS) để chuyển tải hết chi tiết và ảnh hưởng của bệnh trạng.
Triệu chứng không rõ
Vì những lý do chưa được biết rõ, CFS thường xảy ra ở người trong độ tuổi 40 -50, ở nữ nhiều hơn nam giới và ít phổ biến ở trẻ em, thiếu niên. Giới thầy thuốc nhận thấy triệu chứng bệnh thường chỉ được nhận biết qua sự cảm nhận và mô tả của bệnh nhân, có thể khác nhau ở từng người. Tuy nhiên, có một số điểm chung đáng lưu ý như buồn ngủ có thể là triệu chứng và giãn đồng tử có thể là dấu hiệu. Một số triệu chứng khá phổ biến khác như nhức đầu, hạch bạch huyết dễ sưng, đau họng, đau cơ, đau khớp, cảm thấy mệt, cảm thấy khó chịu sau khi gắng sức. Các triệu chứng này có thể kéo dài, hết và tái phát nhiều lần trong hơn 6 tháng.
Điều đáng cảnh báo là dấu hiệu và triệu chứng của CFS có thể giống với nhiều chứng bệnh khác. Báo cáo của bệnh nhân về hoạt động thể chất suy giảm nghiêm trọng đã được quan sát và ghi nhận ở mức độ có thể so sánh với bệnh AIDS, lupus, viêm khớp, phổi tắc nghẽn mạn tính và phản ứng phụ do hóa trị liệu. CFS tác động xấu lên chức năng hoạt động cũng như tình trạng vui sống của bệnh nhân tương đương với bệnh đa xơ cứng, suy tim sung huyết, đái tháo đường type 2. Nhiều người còn có thể chịu đựng được nhưng một số trường hợp nặng có thể nằm liệt giường và không thể tự chăm sóc bản thân.
Nguyên nhân và trị liệu
Giới khoa học chưa khẳng định cụ thể nguyên nhân gây CFS và một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Cornell mới được công bố trên Tạp chí Microbiome hồi cuối tháng 6 đã gây nhiều ngạc nhiên khi nêu giả thuyết về sự thay đổi hệ vi sinh đường ruột có thể là nguyên nhân. Nhóm nghiên cứu đã xét nghiệm mẫu phân và máu của 48 bệnh nhân CFS cùng với 39 người lành mạnh để đối chiếu. Những phân tích cho thấy hệ vi sinh đường ruột của bệnh nhân không đa dạng; ít vi khuẩn kháng viêm nhưng nhiều vi khuẩn gây viêm hơn so với người bình thường. Hơn nữa, máu của bệnh nhân CFS chứa những dấu chỉ viêm và nhóm nghiên cứu giải thích rằng điều này cho thấy vi khuẩn đã len vào máu qua những rò rỉ ở ruột, kích hoạt nhiều vấn đề từ ruột. Khi vi khuẩn vào máu, gây trở ngại cho hoạt động của hệ miễn dịch và làm trầm trọng thêm triệu chứng CFS. Từ khảo sát này, nhóm nghiên cứu thông báo đã căn cứ vào đó để thực hiện chẩn đoán chính xác 83 trường hợp. Họ hy vọng có thể giúp dọn đường cho việc chẩn đoán CFS tốt hơn.
Trước đó, nhiều nhà khoa học liên hệ CFS với stress, những rối loạn ở hệ miễn dịch, hệ thần kinh trung ương, bị ngộ độc hoặc sự tiềm ẩn của virus như virus Epstein-Barr hoặc virus herpes 6 trên người (HHV-6). Một số yếu tố khác bị nghi ngờ như tuổi tác, tiền sử bệnh, di truyền và môi trường. Cho đến nay, mục tiêu trị liệu CFS chỉ là giúp vượt qua những triệu chứng. Mặt khác, các thầy thuốc khuyên bệnh nhân nên tránh gắng sức. Tập thể dục hoặc vận động hơi căng một chút trước khi đi ngủ khoảng 4 giờ có thể giúp bệnh nhân ngủ ngon hơn. Có thể dùng thuốc để chữa triệu chứng như thuốc an thần để cải thiện giấc ngủ và chống trầm cảm, giảm âu lo; dùng acetaminophen, aspirine, thuốc kháng viêm không steroid để giảm đau, hạ sốt.
Phụ nữ dễ bị CFS cao gấp từ 2-4 lần so với nam giới; trẻ em vẫn có thể bị CFS nhưng ít hơn người lớn. Hiện chưa có liệu pháp chữa trị CFS được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp nhận.